Hiệu quả từ mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy

Thứ sáu, ngày 18/01/2019

(BDO) Từ nguồn kinh phí tự chủ, trong 3 năm qua mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) trong Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore 1 (VSIP 1), TX.Thuận An đã hoạt động có hiệu quả trong việc PCCC tại nơi sản xuất, kinh doanh. Trong 3 năm qua, 9 đơn vị sản xuất, kinh doanh tham gia vào mô hình này không để xảy ra cháy nổ. Theo nhận định của ngành chức năng, mô hình này sẽ được nhân rộng trong các cụm, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

 Được thành lập từ năm 2015, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong VSIP 1 với phương châm hỗ trợ nhau trong việc tuyên truyền và thực hiện các nhiệm vụ an toàn PCCC. Các đơn vị liên quan đã lập và quản lý hồ sơ, chia sẻ kinh nghiệm trong quản lý sắp xếp hàng hóa, tổ chức sản xuất hiệu quả, an toàn; xây dựng phương án huấn luyện, diễn tập PCCC và cứu nạn cứu hộ; tổ chức kiểm tra chéo nhằm nâng cao hiệu quả, tính an toàn trong công tác PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”.

Tại buổi lễ sơ kết sau 3 năm hoạt động, các thành viên Cụm doanh nghiệp PCCC trong VSIP 1 ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC trong năm 2019

Theo đánh giá của ngành chức năng, sau 3 năm hoạt động, đến nay, Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong VSIP 1 không để xảy ra tình trạng cháy nổ lớn nhỏ. Được biết, với phương thức hoạt động khoa học, hiệu quả, đến nay, tổ chức này đã có 9 đơn vị doanh nghiệp tham gia.

Ông Bùi Minh Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Ắc Quy GS Việt Nam, Cụm trưởng Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong VSIP 1 nhiệm kỳ 2018- 2019, cho biết: “Thời gian qua, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong KCN Việt Nam - Singapore đã triển khai ký kết giao ước thực hiện giữa các doanh nghiệp. Căn cứ vào đặc điểm, tình hình, mỗi doanh nghiệp tham gia mô hình đều phải có kế hoạch cụ thể, đầy đủ các an toàn PCCC. Ví dụ như: Tổ chức phổ biến, triển khai chương trình hành động, giao ước thực hiện quy chế chấm điểm ở từng bộ phận liên quan đến công tác PCCC của mỗi doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp phải có hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa sinh nhiệt, nguồn lửa nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về PCCC tại nơi sản xuất, kinh doanh. Hệ thống chống sét phải được kiểm tra điện trở nối đất định kỳ trước mùa mưa hàng năm. Điều mà chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là quy trình kỹ thuật an toàn về PCCC phải phù hợp với điều kiện sản xuất của doanh nghiệp”.

Đề cập đến tổ chức lực lượng tại chỗ cũng như công tác tuyên truyền, ông Bùi Minh Tâm cho biết thêm: “Đối với mỗi doanh nghiệp tham gia mô hình này đều có đội PCCC cơ sở, luôn bảo đảm về số lượng, thường xuyên được huấn luyện nghiệp vụ về PCCC, sẵn sàng chữa cháy, cứu nạn tại chỗ. Ngoài ra, phương tiện PCCC của mỗi đơn vị được lắp đặt, trang bị phải bảo đảm về số lượng cũng như chất lượng nhằm duy trì hoạt động. Theo quy định, định kỳ chúng tôi tổ chức kiểm tra chéo; bổ dưỡng các phương tiện PCCC. Song song đó, thời gian qua chúng tôi phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các biện pháp an toàn PCCC cho người lao động; thường xuyên tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trong Đội PCCC của mỗi doanh nghiệp”.

 Thiếu tá Nguyễn Văn Tùng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương, cho biết: “Thời gian qua, mô hình Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC trong VSIP 1 hoạt động rất hiệu quả. Mô hình này sẽ được chúng tôi triển khai trong các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Để mô hình này tiếp tục phát huy hiệu quả đã đạt được, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh và các đội Cảnh sát PCCC sẽ tiếp tục tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra tổ chức đội PCCC của mỗi doanh nghiệp; tăng cường tổ chức kiểm tra phương tiện PCCC tại các doanh nghiệp… Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền kiến thức pháp luật trong lĩnh vực PCCC đến với người lao động và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh”.

 

 THANH QUANG