Hiệu quả từ mô hình camera chống “cát tặc”
Trước tình trạng khai thác cát trái phép diễn biến phức tạp trên sông Đồng Nai, UBND phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên đã triển khai lắp đặt camera tại các điểm “nóng” về hoạt động của “cát tặc”. Sau một thời gian đưa vào hoạt động, các camera đã giúp chính quyền địa phương chủ động trong công tác xử lý tin báo và tuần tra phòng chống “cát tặc”.
Nhờ hình ảnh từ camera mà công tác phòng chống “cát tặc” tại phường Thạnh Phước, TX.Tân Uyên đạt được hiệu quả cao. Ảnh: N.HẬU
“Mắt thần” canh “cát tặc”
(BDO) Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước, cho biết trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở ven bờ sông Đồng Nai diễn ra nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương. Một trong những nguyên nhân chính gây nên tình trạng trên là do nạn khai thác cát trái phép. Đặc biệt, thời gian gần đây, giá cát xây dựng tăng khiến cho “cát tặc” hoạt động manh động, gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong nhân dân.
Trước tình trạng trên, chính quyền địa phương đã sử dụng nhiều biện pháp như tăng cường công tác tuần tra kiểm soát tại các tuyến sông giáp ranh, tuyên truyền vận động người dân cung cấp tin tố giác “cát tặc”… và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, một số đối tượng vì lợi nhuận “khủng” từ việc khai thác cát trái phép mang lại nên đã sử dụng nhiều “mánh khóe” để đối phó, thậm chí còn sử dụng gạch, đá chống trả quyết liệt, gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ. Bên cạnh đó, một số đối tượng tổ chức theo dõi lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác tuần tra mật phục.
Theo ông Bình, qua hiệu quả của mô hình Camera an ninh tại nhiều địa phương trong tỉnh, UBND phường Thạnh Phước quyết định sử dụng “mắt thần” vào việc giữ gìn an ninh trật tự và phòng ngừa khai thác cát trái phép trên sông Đồng Nai. Tuy nhiên, kinh phí để mua camera không hề rẻ vì trung bình một bộ camera có giá hàng chục triệu đồng, trong khi địa phương không có kinh phí. Để giải quyết “bài toán” về kinh phí, UBND phường đã tuyên truyền, vận động doanh nghiệp, người dân với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” bằng việc chỉ ra những hiệu quả của việc thực hiện mô hình camera an ninh, nhất là trong việc phòng, chống “cát tặc”.
Qua vận động, đông đảo người dân đồng tình ủng hộ chủ trương này. Kết quả là chính quyền địa phương đã lắp đặt 25 camera, trong đó có 5 camera được lắp đặt tại các đoạn sông “nóng” về khai thác cát trái phép. Việc sử dụng mô hình camera an ninh vào công tác bảo đảm an ninh trật tự, chống cát tặc đang trở thành mô hình mới trong việc đưa công nghệ thông tin vào công tác phòng chống tội phạm.
Nói thêm về việc hoạt động của các “mắt thần”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết để các camera được lắp đặt tại bờ sông hoạt động hiệu quả vào ban đêm, UBND phường đã nâng cấp khả năng xử lý hình ảnh bằng tia hồng ngoại. Vì vậy, vào ban đêm, hình ảnh được camera truyền về vẫn rất sắc nét, không bị nhòe, giúp lực lượng chức năng quan sát rõ tình hình. Ngoài ra, thông qua phần mềm chuyên dụng, hình ảnh từ camera còn được kết nối với điện thoại, máy tính của lãnh đạo địa phương. Qua đó, giúp lãnh đạo địa phương chủ động trong công tác chỉ đạo, đôn đốc lực lượng chức năng làm tốt nhiệm vụ được giao.
Trong khi đó Thiếu tá Nguyễn Phong Phú, Trưởng Công an phường Thạnh Phước, cho biết toàn bộ hình ảnh từ các camera được truyền về màn hình ti vi cỡ lớn được đặt tại trụ sở Công an phường. Tại đây, cán bộ trực ban ngoài nhiệm vụ tiếp dân còn theo dõi hình ảnh trên ti vi. Nếu cán bộ phát hiện có “cát tặc” sẽ nhanh chóng báo lại lãnh đạo phường để kịp thời có kế hoạch xử lý. Ngoài ra, trong ngày cán bộ sẽ xem lại tất cả hình ảnh truyền về được lưu trong máy để tránh bỏ sót những dấu hiệu khả nghi. Cũng theo Thiếu tá Phú, việc giữ bí mật các vị trí gắn camera giám sát theo lực lượng chức năng là rất quan trọng, bởi “cát tặc” sẽ không từ thủ đoạn nào kể cả việc phá hoại các camera an ninh để khai thác cát trộm.
Hiệu quả ban đầu
Nói về hiệu quả của việc sử dụng “mắt thần” trong công tác phòng chống “cát tặc”, ông Nguyễn Văn Bình cho biết từ khi lắp đặt giám sát bằng hình ảnh, tình trạng khai thác cát trộm giảm đi rất nhiều, đặc biệt là công tác xử lý nguồn tin tố giác “cát tặc” của người dân. Trước đây, khi nhận được tin báo, lập tức UBND phường cử lực lượng chức năng xuống để bắt đối tượng sử dụng ghe, thuyền khai thác cát trái phép, nhưng khi đến nơi thì “cát tặc” đã cao chạy xa bay. Thậm chí, có một số đối tượng còn cố tình tung tin giả nhằm đánh lạc hướng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng. Nhưng từ khi có camera, nếu chính quyền địa phương nhận được tin báo thì có thể xem qua hình ảnh từ camera để xác minh lại lần nữa rồi mới cử lực lượng chức năng xuống xử lý.
Thiếu tá Nguyễn Phong Phú cho biết thêm, đấu tranh với các hành vi khai thác cát trái phép chưa bao giờ là dễ dàng, đặc biệt khi các địa phương ngày càng siết chặt việc giám sát, đấu tranh với hành vi này. Vì vậy, việc lắp đặt camera tại các đoạn sông đã giúp lực lượng chức năng chủ động trong công tác phòng, chống khai thác cát trái phép. Cùng với các biện pháp khác, mô hình này bước đầu đã mang lại hiệu quả khá rõ nét khi tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn giảm 90%.
Cũng theo Thiếu tá Phú, mặc dù thời gian qua tình trạng khai thác cát trái phép đã “giảm nhiệt” nhưng không phải vì thế mà địa phương chủ quan, buông lỏng quản lý. Ngoài việc tiếp tục phát huy hiệu quả của camera, lực lượng chức năng vẫn tuần tra, trực 24/24 để phản ứng nhanh khi có tình huống phát hiện từ hệ thống giám sát.
Qua công tác vận động người dân, UBND phường Thạnh Phước đã lắp đặt được 25 camera giám sát tình hình an ninh trật tự trên toàn địa bàn phường với tổng kinh phí gần 140 triệu đồng. Trong số này có 5 camera được lắp đặt tại những điểm thường xuyên bị “cát tặc” bơm hút cát.
Ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Thạnh Phước cho biết, thời gian tới địa phương sẽ tiếp tục tăng số lượng các vị trí gắn camera giám sát, đồng thời phối hợp với các đơn vị giáp ranh xử lý mạnh nạn “cát tặc” vì hiện nay các đối tượng khai thác cát vẫn thường lợi dụng các điểm giáp ranh còn thiếu kiểm soát để khai thác cát trái phép.
NGUYỄN HẬU