Hiệu quả từ mô hình camera an ninh - Bài 3: Mô hình hay cần nhân rộng
(BDO) Sau thời gian triển khai, mô hình camera an ninh cũng đã gặp một số khó khăn nhất định về công tác quản lý và vận hành. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được trong công tác gìn giữ an ninh trật tự (ANTT) thì mô hình này cần tiếp tục nhân rộng.
Khắc phục khó khăn
Trung tá Lương Thống Nhất, Trưởng CA phường An Phú, TX.Thuận An, cho biết: “Sau hơn 2 năm thực hiện, mô hình camera an ninh đóng góp tích cực vào công tác quản lý địa bàn, phòng ngừa tội phạm tại địa phương. Tuy nhiên, CA phường cũng gặp không ít khó khăn trong việc lắp đặt và vận hành camera. Hiện tại, CA phường không đủ lực lượng để cắt cử người giám sát hệ thống camera 24/24, dẫn tới hạn chế trong công tác xử lý vụ việc bất ngờ xảy ra tại khu vực lắp đặt camera. Do các camera được lắp đặt ngoài trời nên thường xuyên bị trục trặc kỹ thuật hoặc bị hư hỏng. CA phường không có kinh phí cho việc sửa chữa và bảo dưỡng vì chi phí rất cao. Ngoài ra, nhiều camera phải sử dụng đường truyền dữ liệu chung với người dân nên thường xuyên gặp vấn đề về tín hiệu, dẫn đến chất lượng hình ảnh không tốt. Vì vậy, CA phường phải sử dụng dây cáp quang truyền dẫn để cho tín hiệu thông suốt”.
Từ khi lắp đặt camera tại vòng xoay An Phú, CA TX.Thuận An đã kịp thời điều tiết giao thông khi xảy ra ùn tắc
Trong khi đó, trung tá Lê Hoàng Phương, Phó trưởng CA phường Bình Hòa, TX.Thuận An, cho biết: “Trong quá trình quản lý và sử dụng camera an ninh, CA phường cũng gặp một số khó khăn như việc lắp đặt hệ thống camera trên địa bàn phường chủ yếu được kết nối vào hệ thống internet của người dân nên phụ thuộc rất lớn vào quá trình sử dụng hay không sử dụng của họ. Hiện có khoảng 5/27 camera trên địa bàn phường hoạt động không hiệu quả. Trong quá trình sử dụng internet, một số hộ dân thay đổi modem không tương thích với camera của địa phương, dẫn tới camera không hoạt động. Trong khi đó, CA phường lại không có chi phí để cài đặt và bảo trì camera. Tại các điểm lắp đặt camera, một số hộ dân còn sử dụng đường truyền internet bằng cáp đồng là chủ yếu nên chất lượng đường truyền về máy chủ đặt tại CA phường không ổn định, chất lượng hình ảnh chưa cao. Ngoài ra, số lượng camera hiện có của địa phương so với đặc điểm tình hình của địa phương không đáp ứng được nhu cầu”.
Cũng theo một số địa phương, việc quản lý và sử dụng camera cũng gặp một số khó khăn khác như công tác tuyên truyền vận động người dân hiểu được tác dụng của việc lắp đặt camera giám sát an ninh gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhiều hộ dân ý thức được tác dụng của camera nhưng khi thực hiện lại không nhận được sự tư vấn dẫn đến việc lựa chọn camera không bảo đảm chất lượng hoặc lựa chọn vị trí lắp đặt không thu được hình ảnh tốt. Ngoài ra, trình độ am hiểu về khoa học kỹ thuật của lực lượng CA địa phương còn hạn chế, chưa nắm rõ phương thức hoạt động của camera.
“Phủ sóng” khắp nơi
Thượng tá Phạm Văn Hải, Phó trưởng CA TX.Thuận An, cho rằng: “Sau thời gian thực hiện mô hình camera an ninh, CA thị xã thấy mô hình này có các ưu điểm như sau: Thứ nhất là người dân được nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và khả năng phòng ngừa tội phạm. Ý thức chấp hành pháp luật của người dân được tiến hành liên tục, kịp thời thông qua sự giám sát của CA phường và quan trọng nhất là từ chủ nhà trọ, doanh nghiệp. Thứ hai, nâng cao trách nhiệm, tính năng động của lực lượng CA phường, bảo vệ dân phố, kịp thời xử lý vụ việc để không phát sinh tình hình phức tạp về ANTT. Công tác trao đổi thông tin hai chiều từ CA phường với các hộ gắn camera được trao đổi thường xuyên hơn, qua đó giúp CA phường nắm vững tình hình liên quan đến ANTT nhằm phục vụ các mặt công tác nghiệp vụ”.
Cũng theo thượng tá Hải, để phát huy những ưu điểm và kết quả đạt được của mô hình camera an ninh, sắp tới, CA thị xã đề nghị UBND thị xã và các xã, phường quyết liệt chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án Xã hội hóa camera an ninh. Trong đó, chính quyền địa phương cần có sự tính toán, cân đối nhằm minh bạch và sử dụng có hiệu quả nguồn kinh phí xã hội hóa. Các địa phương trước khi lắp đặt camera cần hợp đồng thống nhất với một đơn vị cung cấp các loại thiết bị, đường truyền cáp quang nhằm bảo đảm kịp thời cho việc bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống camera an ninh khi cần thiết; đồng thời trao đổi công nghệ, kỹ năng cơ bản cho lực lượng làm nhiệm vụ để bảo đảm cho việc vận hành và khai thác hệ thống camera có hiệu quả.
Bên cạnh đó, CA thị xã tiếp tục tham mưu Chủ tịch UBND thị xã cho chủ trương hỗ trợ kinh phí từ ngân sách hỗ trợ địa phương nhằm trang bị tổng thể, thiết lập đường truyền đồng bộ, độc lập để bảo đảm tính ổn định và chất lượng hình ảnh; trang bị đầu thu có dung lượng đủ lớn để lưu trữ dữ liệu được lâu hơn (tối thiểu 3 tháng) để trích xuất khi cần thiết. “CA thị xã tiếp tục phối hợp, hướng dẫn CA xã, phường trong việc xác định tuyến đường, địa bàn trọng điểm để lắp đặt camera nhằm nâng cao công tác phòng ngừa tội phạm. Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân lắp đặt camera tại cơ sở nhằm khớp nối hình ảnh trên diện rộng không những sẽ thu hẹp đất sống của tội phạm mà còn trởthành “cộng sự” để giải quyết các vụ việc liên quan đến ANTT, an toàn giao thông mọi lúc, mọi nơi một cách nhanh chóng và hiệu quả”, thượng tá Phạm Văn Hải cho biết.
Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Trưởng phòng Xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (PV28), CA tỉnh, cho biết để mô hình camera được triển khai sâu rộng trong quần chúng nhân dân, các ban ngành, đoàn thể các cấp cần tiến hành những biện pháp, cách thức tuyên truyền vận động cụ thể, sinh động hơn để thu hút người dân trên toàn địa bàn tự nguyện lắp đặt camera. Cụ thể, lực lượng CA phường phải thường xuyên đến những khu nhà trọ, trình chiếu những đoạn phim thực tế nói lên hiệu quả phòng ngừa tội phạm của những hộ, những tuyến đường đã gắn camera, nhằm giúp chủ hộ cũng như những người tạm trú thấy được hiệu quả của mô hình. Bên cạnh đó, trong quá trình tuyên truyền vận động, lực lượng tuyên truyền cần mang theo mẫu camera đang được sử dụng trong mô hình để người dân lấy các thông số kỹ thuật, nhằm giúp họ có thể trang bị những đầu ghi hình, thiết bị camera có các thông số phù hợp với các thiết bị thu hình tại trụ sở CA phường để hình ảnh thu về có chất lượng tốt nhất.
Thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng CA TX.Dĩ An, nói: “Địa phương đang có chủ trương hướng tới “phủ sóng” camera giám sát an ninh, giao thông, trật tựtại các tuyến đường ở khu vực công cộng, khu dân cư trọng điểm. Sắp tới, CA thị xã sẽ lắp đặt 10 camera với kinh phí gần 1 tỷ đồng tại các giao lộ nhằm giám sát tình hình giao thông để kịp thời giải quyết tình trạng kẹt xe và quản lý địa bàn”.
Thượng tá Huỳnh Văn Sen, Trưởng phòng PV28, CA tỉnh, nhận xét: “Sau thời gian thực hiện, mô hình camera an ninh trên địa bàn TX.Thuận An bước đầu đã góp phần bảo đảm ANTT, giải quyết nhanh những vụ việc mới phát sinh ngay từ đầu. Đây là mô hình chứng minh được hiệu quả của việc sử dụng khoa học công nghệ hỗ trợ lực lượng CA quản lý địa bàn, giúp người dân và CA thuận lợi hơn trong việc phối hợp và kịp thời ngăn chặn, xử lý các vụ việc phạm pháp hình sự. Điều đáng quý nữa là từ mô hình này đã nâng cao hơn nữa sự đồng thuận, chung sức của người dân cùng lực lượng chức năng bảo vệ sự bình yên cho cuộc sống. Sắp tới, mô hình cần tiếp tục nhân rộng ra các địa phương khác. Do đó, các địa phương cần tham khảo và triển khai ứng dụng mô hình này phù hợp với tình hình địa phương bằng những lộ trình và kế hoạch cụ thể”.
Thượng tá Sen nói thêm: “Mô hình camera an ninh dù có hiện đại đến đâu thì cũng có những khiếm khuyết, tội phạm cũng sẽ sớm tìm ra cách đối phó. Vì vậy, không thể bỏ qua những mô hình khác mà cần chú trọng phối hợp triển khai đồng bộ các mô hình trong công tác phòng chống tội phạm”.
N.HẬU - Q.TÁM