Hiệu quả từ liên kết sản xuất trong nông nghiệp

Thứ năm, ngày 11/06/2015

Trong điều kiện kinh tế thị trường, sản xuất nông nghiệp cần có khối lượng nông sản lớn, chất lượng cao, giá thành cạnh tranh. Từng người nông dân khó có thể làm được điều này mà đòi hỏi phải có sự liên kết trong sản xuất theo quy trình sản xuất chung. Ở Bình Dương, thời gian qua mô hình liên kết nông nghiệp đã được chú trọng, kết quả đạt được đã góp phần vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương.

(BDO)

Liên kết sản xuất để tạo ra thị trường ổn định hơn cho các sản phẩm nông nghiệp. Trong ảnh: Ông Võ Tuấn Kiệt, Chủ nhiệm Tổ hợp tác nuôi cá dĩa ở phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một bên mô hình nuôi cá dĩa của mình. Ảnh: Q.NHIÊN

Liên kết để phát triển

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 110 hợp tác xã (HTX) với hơn 56.000 thành viên, trong đó có 22 HTX hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp. Các mô hình hợp tác trong sản xuất nông nghiệp đã có nhiều thay đổi, từ cách quản lý, điều hành cho đến tổ chức hoạt động.

Trước đây, HTX là nơi quy tụ những cá nhân ít vốn, làm ăn nhỏ lẻ thì mô hình hợp tác liên kết trong sản xuất hiện nay gồm các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại sản xuất trên quy mô lớn, tạo ra sản lượng hàng hóa dồi dào cung ứng cho thị trường. Chính sự hợp tác trên quy mô lớn đã nâng cao hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng đã hình thành 347 tổ hợp tác với 5.944 thành viên tham gia. Nhờ vào liên kết, nông dân được đầu tư nhiều hơn về mọi mặt, có khả năng xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể; tiếp đến là xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, quản lý tốt về chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Tạo ra sản phẩm chất lượng

Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa ở xã An Điền, TX.Bến Cát tuy mới thành lập cách đây 6 tháng với khoảng 10 hộ nông dân tham gia nhưng đã đem lại hiệu quả thiết thực. Tổng đàn bò sữa của tổ hợp tác đến nay đã tăng lên gần 40 con, gần gấp đôi so với ngày đầu thành lập.

Là thành viên của tổ hợp tác, chị Nguyễn Thị Chung thấy được nhiều lợi ích thiết thực trong việc liên kết sản xuất, nhất là lượng sữa bò làm ra đã được công ty ký hợp đồng bao tiêu ổn định. Chị Chung chia sẻ, bên cạnh đầu ra cho sản phẩm ổn định, chị và các thành viên khác trong tổ còn được cán bộ Hội Nông dân địa phương thường xuyên đến tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng và hỗ trợ tập huấn kỹ thuật trong chăn nuôi để bảo đảm hiệu quả sản xuất cao nhất.

Ngoài Tổ hợp tác chăn nuôi bò sữa, Hội Nông dân xã An Điền đã thành lập tổ hợp tác nuôi bò vàng với 13 hộ tham gia, tổng đàn hơn 50 con và tổ hợp tác trồng hoa lan với 7 hộ tham gia, diện tích trên 4.000m2. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Điền cho biết, những tổ hợp tác này nhận được sự hỗ trợ tích cực của Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật và Hội Nông dân các cấp ở TX.Bến Cát. Có thể thấy, nông dân tham gia vào tổ hợp tác luôn được hỗ trợ tích cực về mọi mặt từ ngành chức năng, địa phương và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các mô hình liên kết ở khu vực đô thị cũng được các ngành, các cấp quan tâm xây dựng và phát triển. Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.Thủ Dầu Một, các mô hình HTX, tổ hợp tác do hội quản lý đang hoạt động khá hiệu quả. Điển hình như Tổ hợp tác nuôi cá dĩa ở phường Chánh Nghĩa đã bán sản phẩm đến nhiều địa phương trong nước và cả ở nước ngoài. Mô hình này rất thích hợp với kiểu sản xuất đô thị đang phát triển mạnh như hiện nay và mang lại thu nhập ổn định với mức 30 triệu đồng/tháng.

Bên cạnh đầu ra sản phẩm ổn định, hỗ trợ về cây, con giống…, tham gia HTX, tổ hợp tác nông dân còn được nâng cao trình độ sản xuất thông qua các buổi tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất. Từ đó giúp gắn kết giữa họ với nhau, góp phần cùng địa phương tạo ra nhiều sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh đáp ứng tốt nhu cầu thị trường.

QUỲNH NHIÊN