Hiệu quả từ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 mới

Thứ hai, ngày 14/02/2022

(BDO) Nhanh chóng triển khai

Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, Bộ Y tế vừa cập nhật, bổ sung phiên bản chẩn đoán và điều trị Covid-19 lần thứ 8 trên cơ sở Quyết định 250/ QĐ-BYT “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19”. Theo quyết định mới nhất này, có 5 mức độ phân loại bệnh Covid-19, gồm: Không có triệu chứng lâm sàng, mức độ nhẹ, mức độ trung bình, mức độ nặng và mức độ nguy kịch. Trước đó, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 ban hành kèm Quyết định số 4689/ QĐ-BYT của Bộ Y tế chỉ phân loại các bệnh nhân Covid-19 theo 4 mức độ bệnh, gồm: Nhẹ, trung bình, nặng và nguy kịch. Tuy nhiên, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế, đã có thêm nhóm F0 không triệu chứng. Những F0 được xếp vào nhóm này là những F0 không có triệu chứng lâm sàng, nhịp thở < 20 lần/phút, SpO2 > 96% khi thở khí trời.

Quy định mới trong chẩn đoán, điều trị bệnh Covid-19 giúp các đơn vị y tế chủ động hơn trong chăm sóc điều trị bệnh nhân Covid-19

Trên cơ sở tiêu chí phân loại 5 mức độ bệnh nhân Covid-19, theo ghi nhận của chúng tôi tại các địa phương, các đơn vị y tế đã tiến hành áp phân loại F0, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều trị, giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng. Bác sĩ chuyên khoa II Ngô Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Dĩ An cho biết: “Trên cơ sở phân loại tình trạng bệnh nhân, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thành phố còn áp dụng phương pháp cá thể hóa điều trị phù hợp đặc điểm bệnh lý của từng bệnh nhân riêng biệt; từ đó hạn chế tối đa ca bệnh đặt nội khí quản, tập trung hỗ trợ hô hấp, cung cấp đủ oxy cho bệnh nhân”.

Khẳng định ý nghĩa công tác phân loại kéo giảm tỷ lệ bệnh chuyển nặng, tử vong, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế khẳng định: “Từ công tác phân loại tốt trong những tuần qua, tỷ lệ bệnh nhân chuyển tầng điều trị lên tầng cao hơn giảm rõ rệt. Đặc biệt, số bệnh nhân tử vong giảm sâu. Liên tục nhiều ngày qua, tỉnh không ghi nhận bệnh nhân tử vong. Cụ thể, trong ngày 12-2 và những ngày trước đó, tỉnh chỉ ghi nhận 1 ca tử vong, chiếm 0,05% tổng số bệnh nhân nặng nguy kịch cần thở oxy. Hiện toàn tỉnh còn 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch, không có bệnh nhân phải lọc máu. Thống kê trong tổng số 58 bệnh nhân tại cơ sở y tế, có 9 bệnh nhân tầng 1, 30 bệnh nhân tầng 2, 19 bệnh nhân tầng 3 và 12 bệnh nhân ICU (hồi sức tích cực), không có bệnh nhân phải lọc máu”.

Tiêu chuẩn xuất viện với các F0

Đề cập đến tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly cho F0 chăm sóc tại nhà, Phó Giáo sư - Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, trong hướng dẫn mới của Bộ Y tế, quy định tiêu chuẩn dỡ bỏ cách ly đối với người bệnh Covid-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ chăm sóc tại nhà là thời gian cách ly, điều trị đủ 7 ngày, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính. Nhân viên y tế thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của nhân viên y tế bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa. Trường hợp sau 7 ngày kết quả xét nghiệm còn dương tính thì tiếp tục cách ly đủ 10 ngày đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin theo quy định và 14 ngày đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin theo quy định.

Đề cập đến tiêu chuẩn xuất viện của người bệnh Covid-19 cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị, bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, bệnh nhân cần cách ly, điều trị ít nhất là 5 ngày. Khi các triệu chứng lâm sàng đỡ, giảm nhiều, hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) trước ngày ra viện từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính với vi rút SARS-CoV-2, người bệnh được ra viện. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với nồng độ vi rút cao (Ct < 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính thì người bệnh tiếp tục cách ly đủ 10 ngày (không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm). Người bệnh sau khi ra viện tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 7 ngày; đo thân nhiệt 2 lần/ngày; nếu thân nhiệt cao hơn 380C ở hai lần đo liên tiếp hoặc có bất kỳ dấu hiệu lâm sàng bất thường nào thì cần báo cho y tế cơ sở để thăm khám và xử trí kịp thời; tuân thủ thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Riêng nhóm người bệnh có bệnh nền hoặc bệnh kèm theo, thời gian cách ly, điều trị tại các cơ sở thu dung, điều trị ít nhất là 5 ngày và được xuất viện sau khi các triệu chứng lâm sàng của bệnh Covid-19 đỡ, giảm nhiều và hết sốt (không dùng thuốc hạ sốt) từ 3 ngày trở lên và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính. Người bệnh được ra viện hoặc chuyển sang cơ sở khác, khoa điều trị bệnh kèm theo, khoa điều trị bệnh nền (nếu cần) của khoa đó để tiếp tục điều trị và được sàng lọc, theo dõi theo quy định đối với người bệnh nội trú hoặc chuyển về nhà theo dõi, chăm sóc tại nhà theo quy định. Kết quả xét nghiệm RT-PCR dương tính với nồng độ vi rút cao (Ct < 30, bất kỳ gen đặc hiệu nào) hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên còn dương tính thì người bệnh tiếp tục cách ly đủ 10 ngày, không nhất thiết phải làm lại xét nghiệm.

Người bệnh tại các đơn vị hồi sức tích cực (ICU) khỏi bệnh Covid-19, trong tình trạng nặng, nguy kịch do bệnh lý khác xuất viện khi đã cách ly, điều trị Covid-19 tối thiểu 14 ngày và có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30) được xác định đủ tiêu chuẩn khỏi Covid-19. Khi đó, bệnh nhân được chuyển sang cơ sở hồi sức tích cực khác hoặc các khoa điều trị phù hợp để tiếp tục chăm sóc, điều trị”.
(Phó Giáo sư - tiến sĩ- bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu)

HOÀNG LINH

Từ khóa: