Hiệu quả từ hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc

Chủ nhật, ngày 06/10/2024

(BDO) Mới đây, Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh đã thống nhất thông qua Đề tài “Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương”. Để đạt được kết quả này, trước đó nhóm nghiên cứu đã được Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia tổ chức tập huấn, hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc (NBC Trace Pro) cho 5 sản phẩm thí điểm của tỉnh.

  Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tổ chức đoàn đi thực tế hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tại các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh

Giảm nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng

“Nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương” là đề tài do Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia chủ trì thực hiện và Thạc sỹ Nguyễn Đắc Minh làm chủ nhiệm.

Đề tài thực hiện với mục tiêu nghiên cứu thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC Trace cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương, phù hợp tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế, đồng bộ dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

Ông Lý Thái Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng tỉnh cho biết, buổi tập huấn vừa qua không chỉ dành cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm mà còn là cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tìm hiểu, nhận thức đúng về truy xuất nguồn gốc, biết đến một công cụ truy xuất nguồn gốc hiệu quả, góp phần thực hiện tốt những yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, giảm nguy cơ hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.

Tại buổi tập huấn, các học viên đã được tìm hiểu cụ thể về hệ thống mã số, mã vạch, tính năng; hướng dẫn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc, như: thông tin tem truy xuất nguồn gốc, quy trình khai báo thông tin và kích hoạt tem.

NBC Trace Pro là một ứng dụng dành cho doanh nghiệp quản lý, giám sát, xác định các sản phẩm, dịch vụ qua từng công đoạn theo thời gian, địa điểm trong toàn bộ quá trình từ sản xuất đến kinh doanh.

Nghiên cứu đạt nhiều kết quả

Báo cáo tại buổi nghiệm thu Đề tài, nhóm nghiên cứu cho biết đã tiến hành thực hiện 4 nội dung. Cụ thể: Khảo sát thực trạng truy xuất nguồn gốc tại tỉnh Bình Dương; Xây dựng mẫu phiếu khảo sát phù hợp với từng đối tượng cần thực hiện điều tra khảo sát; Xây dựng hệ thống quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá nông sản bảo đảm tương thích và kết nối dữ liệu với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia; Đào tạo chuyển giao quy trình và tập huấn áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm của tỉnh Bình Dương.

  Toàn cảnh buổi họp Hội đồng tư vấn đánh giá nghiệm thu kết quả thực hiện Đề tài

Sau thời gian triển khai thực hiện, hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC Trace được triển khai cho 5 hộ sản xuất, doanh nghiệp của tỉnh. Nghiên cứu đã xác định tiêu chí của đối tượng và các hạng mục thông tin cần điều tra khảo sát đối với việc: xác định đối tượng khảo sát nhằm tìm hiểu về hiện trạng sản xuất, kinh doanh và nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu về đặc trưng của các mẫu sẽ triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng được mẫu phiếu khảo sát phù hợp với từng đối tượng cần thực hiện điều tra khảo sát và thực hiện khảo sát đối với 20 đơn vị sản xuất kinh doanh/vùng trồng, 10 cán bộ quản lý tại các sở ban ngành và các cấp liên quan. Qua đó, nhóm nghiên cứu phân tích, lựa chọn 5 cơ sở làm mẫu thí điểm ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc NBC Trace để quản lý thông tin truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm (trứng gia cầm, thịt gia cầm, rau ăn quả/rau ăn lá, dưa lưới, bưởi) của tỉnh Bình Dương.

 Song song đó, căn cứ vào đặc trưng của các mô hình sản phẩm được lựa chọn, nhóm nghiên cứu đã tiến hành xây dựng 5 tài liệu hướng dẫn sử dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc cho việc triển khai các mô hình thí điểm được lựa chọn; tổ chức đào tạo, tập huấn và chuyển giao quy trình áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm.

Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc (NBC Trace Pro) cho 5 sản phẩm thí điểm của tỉnh là một trong các nội dung quan trọng của Đề tài. Với những kết quả nhóm nghiên cứu đã đạt được, Hội đồng Tư vấn đánh giá nghiệm thu đã thông qua kết quả nghiên cứu đạt được, thống nhất thông qua Đề tài.

Sau thời gian triển khai thực hiện, hệ thống truy xuất nguồn gốc NBC Trace được triển khai cho 5 hộ sản xuất, doanh nghiệp của tỉnh. Nghiên cứu đã xác định tiêu chí của đối tượng và các hạng mục thông tin cần điều tra khảo sát đối với việc: xác định đối tượng khảo sát nhằm tìm hiểu về hiện trạng sản xuất, kinh doanh và nhu cầu truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh; tìm hiểu về đặc trưng của các mẫu sẽ triển khai thí điểm hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Phương Lê - Quang Trí