Hiệu quả từ hoạt động khuyến công

Thứ sáu, ngày 08/07/2016

Trong những năm qua, hoạt động khuyến công ở Bình Dương đã đi vào ổn định và phát triển; từng bước khẳng định vai trò, vị thế của khuyến công đối với các cơ sở, doanh nghiệp (DN), nhất là DN hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp nông thôn (gọi tắt là DN CNNT).

(BDO)

 Công tác khuyến công hiệu quả góp phần tạo điều kiện cho cơ sở, DN CNNT ổn định và phát triển. Trong ảnh: Khách hàng tham quan, tìm hiểu sản phẩm của Công ty TNHH MTV Sơn mài mỹ nghệ Tư Bốn (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: THOẠI PHƯƠNG

 Nhiều chính sách hỗ trợ

Những năm qua, các làng nghề, DN CNNT trên địa bàn tỉnh có khó khăn chung là hầu hết có quy mô nhỏ, một số có quy mô cấp gia đình và làm theo đơn hàng, chưa tự thiết kế mẫu mã hay sáng tạo ra sản phẩm đặc trưng; cùng với đó nguồn vốn nhỏ, chưa đủ sức tiếp nhận những đơn hàng lớn...

Theo Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), thời gian qua, nhằm khuyến khích phát triển CNNT ở địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ các cơ sở, DN CNNT. Cụ thể, thông qua chương trình hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc thiết bị vào sản xuất, tỉnh đã hỗ trợ cho 10 cơ sở, DN CNNT; ngân sách hỗ trợ là 950 triệu đồng; cùng với đó thu hút vốn đối ứng của các DN, cơ sở gần 9 tỷ đồng... Có thể thấy, chương trình đã thu hút một lượng vốn đối ứng của cơ sở, DN CNNT để mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất; đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư có hiệu quả, sản xuất CNNT một cách bền vững.

Ông Trần Tiến Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Sản xuất - Thương mại Quang Minh (phường Thới Hòa, TX.Bến Cát) cho biết, công ty có hơn 1.000 cán bộ, công nhân. Từ nguồn kinh phí khuyến công, công ty đã tổ chức nhiều lớp đào tạo tay nghề cho người lao động tại công ty. Sau khóa đào tạo, người lao động đã có tay nghề vững, phù hợp với yêu cầu của công ty, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm của DN trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, công ty cũng đã dần đầu tư thay đổi máy móc, thiết bị phù hợp để tăng năng suất, giảm chi phí lao động và nguyên vật liệu nhằm cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Ưu tiên những đề án có sức lan tỏa lớn

Bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết, xác định mục tiêu đồng hành cùng với DN, hỗ trợ DN phát triển, trung tâm đã bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm, tránh đầu tư dàn trải gây lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn những đề án có sức lan tỏa lớn và khai thác được lợi thế của địa phương. Với nguồn hỗ trợ không lớn nhưng cũng góp phần khuyến khích cơ sở, DN CNNT ổn định và phát triển. Nhìn chung, các cơ sở, DN CNNT có đề án nhận hỗ trợ đã thay đổi theo chiều hướng tích cực; từng bước tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp và giải quyết việc làm cho nhiều lao động trên địa bàn.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công ngày càng có hiệu quả, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức nhiều lớp tập huấn chính sách khuyến công, quản trị DN cho các cơ sở, DN CNNT và cán bộ phụ trách khuyến công trên địa bàn tỉnh. Những lớp tập huấn đã đáp ứng nhu cầu nắm bắt các chính sách, văn bản mới về chương trình khuyến công và nhu cầu từ các cơ sở, DN CNNT.

Cùng với đó, việc phát triển mạng lưới cộng tác viên thực hiện chương trình khuyến công cũng được các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh quan tâm. Ngành chức năng của tỉnh cũng đã và đang kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở, DN CNNT nhằm đề xuất với tỉnh chương trình hỗ trợ phù hợp với quy định của nhà nước đạt hiệu quả tốt hơn trong thời gian tới.

 THOẠI PHƯƠNG