Hiệu quả từ điều trị bằng phương pháp Đông y cho bệnh nhân hậu Covid-19
(BDO) Hiệu quả kết hợp y học cổ truyền
Chia sẻ thông tin về hội chứng hậu Covid-19, bác sĩ Quách Trung Nguyên, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, cho biết qua thực tế thăm khám cho thấy, di chứng hậu Covid-19 chủ yếu là về hô hấp, tuần hoàn, mất vị giác, khứu giác, đau tức ngực, đãng trí. Bệnh ban đầu chủ yếu gây tổn thương hai tạng phế và tỳ. Một số di chứng do tổn thương tạng phế chưa phục hồi hoàn toàn như: Ho lâu dài, hụt hơi, đoản hơi, mất khứu giác, tê bì ngoài da, phát ban, mệt mỏi, đau tức ngực, mất ngủ do ho nhiều đoản hơi. Bên cạnh đó là di chứng do tổn thương tạng tỳ chưa phục hồi hoàn toàn: Chán ăn, mất vị giác, đau mỏi cơ, tiêu chảy, buồn nôn, trào ngược, lâu ngày ảnh hưởng huyết phận gây rụng tóc, huyết ứ. Để hỗ trợ, góp phần cải thiện và phục hồi sớm các di chứng, y học cổ truyền có hai phương pháp chính là dùng thuốc và không dùng thuốc. Phương pháp dùng thuốc: Tùy giai đoạn bệnh, triệu chứng, thầy thuốc khám và chọn bài thuốc riêng (có sự gia giảm về thuốc và liều lượng phù hợp) trên từng người bệnh để nâng cao sức khỏe, bồi bổ khí huyết”.
Điều trị bệnh nhân hậu Covid-19 tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1
Bác sĩ Huỳnh Minh Chín, Phó Giám đốc Sở Y tế khẳng định: Có nhiều trường hợp chỉ cần áp dụng phương pháp không dùng thuốc, người bệnh hậu Covid-19 đã khỏi hoàn toàn. Các phương pháp như: Dưỡng sinh (một số phương pháp thiền), khí công (tập thở), thực dưỡng (bồi bổ điều trị qua thức ăn), xoa bóp bấm huyệt (ấn huyệt trị bệnh), nhĩ châm, cứu ngải, châm cứu giác hơi. Trong y học cổ truyền sẽ dùng các bài thuốc và phương pháp để nâng cao thể trạng, đặc biệt là thể trạng phế và tạng; trong đó có phương pháp xoa bóp, bấm huyệt tùy theo thể trạng, không phải dùng thuốc mà vẫn có thể điều trị bệnh, phòng ngừa di chứng về sau như ho, khó thở, hụt hơi.
Bác sĩ Quách Trung Nguyên nhấn mạnh: “Xông nước lá, tinh dầu tại nhà có tác dụng sát trùng đường hô hấp, nâng cao sức khỏe người bệnh hậu nhiễm Covid-19. Thành phần nồi nước xông có thể gồm lá chanh, lá bưởi, lá tía tô, lá kinh giới, lá bạc hà, lá sả, lá hương nhu... mỗi thứ một nắm nhỏ, tổng cộng khoảng 200 - 300g. Sau khi xông hơi xong, người khỏi bệnh lau sạch mồ hôi, thay quần áo, tránh gió lạnh, ăn bát cháo hành nóng với tía tô thêm thịt hoặc lòng đỏ trứng sẽ tốt nhất. Với các gia đình có máy xông có thể dùng máy xông hơi, nhỏ vài giọt tinh dầu vào để xông phòng và hít xông mũi họng phòng bệnh Covid-19. Xông hơi vừa tốt cho sức khỏe vừa không tốn kém, không chỉ tác dụng với SARS-CoV-2 mà còn hiệu quả với các loại vi rút lây qua đường hô hấp”.
Xoa bóp bấm huyệt cải thiện di chứng hậu Covid-19
Trao đổi với P.V, bác sĩ Trần Ngọc Thạch, Trưởng khoa Y học cổ truyền - Phục hồi chức năng Bệnh viện Hoàn Mỹ Vạn Phúc 1, chia sẻ: Các bệnh lý hậu Covid-19 sẽ được điều trị bằng phương pháp Đông Tây y kết hợp. Trong đó, các phương pháp Đông y có hiệu quả cao trong việc hồi phục nhanh chóng. Tác dụng của các phương pháp y học cổ truyền rất tốt cho các triệu chứng hậu Covid-19 như đau đầu, chóng mặt, mất ngủ, mất tập trung bằng kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt. Theo bác sĩ Thạch, xoa bóp bấm huyệt giúp làm giảm nồng độ cortisol (một loại hormone gây căng thẳng) và tăng serotonin, dopamine (hormone hạnh phúc) và chất dẫn truyền thần kinh giúp ổn định tâm trạng, kiểm soát cơn đau. Xoa bóp, bấm huyệt được đánh giá là một trong những cách tốt và đơn giản nhất để có giấc ngủ ngon một cách tự nhiên cho các trường hợp mất ngủ, khó ngủ sau điều trị Covid-19.
Phương pháp này bao gồm các thao tác xoa đầu, mặt, cổ, gáy. Người bệnh ngồi tư thế hoa sen, thở tự nhiên. Hai lòng bàn tay úp vào nhau, xát chúng cho mạnh, nhanh để hai bàn tay thật nóng trước khi xoa. Đầu ngửa về sau, hai tay đặt dưới cằm áp vào mặt, xoa mặt từ dưới lên đến đỉnh đầu, đồng thời dần dần cúi đầu về phía trước. Hai tay xoa từ đỉnh xuống vùng chẩm, rồi xoa hai bên cổ, áp vào cằm đầu ngửa hẳn về phía sau. Tiếp tục xoa lại như trước từ 10 - 20 lần. Xoa bàn chân: Với tư thế này, người bệnh có thể ngồi thòng chân hoặc ngồi thẳng chân, thở tự nhiên. Xoa chân hai ngày mỗi lần, mỗi lần từ 50 - 60 cái giúp bàn chân ấm, dễ ngủ hơn. Người bệnh có thể xoa hai lòng bàn chân, mu bàn chân hoặc phía trong bàn chân với nhau.
Ngoài ra, người bệnh có thể xoa bóp, bấm huyệt vùng đầu kết hợp vùng cổ gáy, hai vai, lưng hoặc tay chân tùy trường hợp dưới sự thực hiện của các bác sĩ Đông y. Trường hợp dù đã điều chỉnh, thực hiện các phương pháp tâm lý liệu pháp, tự xoa bóp bấm huyệt và xoa bóp bấm huyệt như trên mà vẫn mất ngủ, ngủ không ngon giấc, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa để có sự đánh giá và điều chỉnh giấc ngủ phù hợp.
HOÀNG LINH