Hiệu quả từ Đề án 711 và nhiều kiến nghị về công tác cán bộ
(BDO) Hôm qua (4-11), tại TX.Tân Uyên, Tỉnh ủy Bình Dương tổ chức hội nghị chuyên đề về tình hình hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và thực hiện Đề án sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII). Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Hoàng Thao, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy và ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thị, thành phố và 91 xã, phường, trị trấn trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu tham dự hội nghị chuyên đề về tình hình hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở và thực hiện Đề án 711
Hiệu quả từ Đề án 711
Báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Minh Thủy, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, cho biết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 43- KH/TU, sau đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quyết định phê duyệt Đề án 711. Thành công của Đề án 711 là gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Từ kế hoạch chung của đề án, toàn tỉnh đã giảm 3 cơ quan, 5 đơn vị cấp tỉnh; giảm 66/256 phòng và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 25,79%. Tỉnh đã sáp nhập Ban Quản lý các Khu công nghiệp Việt Nam Singapore vào Ban Quản lý các Khu công nghiệp Bình Dương; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh vào Văn phòng HĐND tỉnh; hợp nhất Đảng ủy khối Các cơ quan tỉnh và Đảng ủy khối Doanh nghiệp tỉnh thành Đảng ủy khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh.
Thành công của Đề án 711 là gắn với công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Từ kế hoạch chung của đề án, toàn tỉnh đã giảm 3 cơ quan, 5 đơn vị cấp tỉnh; giảm 66/256 phòng và tương đương trực thuộc cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, đạt tỷ lệ 25,79%. |
Về chức vụ kiêm nhiệm, tỉnh đã thực hiện thành công nhiều chức danh: Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp huyện; Trưởng ban Dân vận cấp ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện; hoàn thành việc thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm chính trị ở cấp huyện.
Việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy cấp xã và số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách chịu sự điều chỉnh của các văn bản pháp luật, như: Nghị định số 92/2009/NĐ-CP của Chính phủ, Nghị định số 112/2011/NĐ- CP về công chức xã, phường, thị trấn… Từ khi thực hiện Nghị định số 34/2019/NĐ-CP ngày 24-4-2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động chuyên trách ở ấp, khu phố, đã giảm hơn 20% số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách đối với từng loại đơn vị hành chính cấp xã theo đúng tinh thần nghị quyết của Trung ương.
Từ cơ sở pháp lý được ban hành, quy định, hướng dẫn theo từng giai đoạn và tình hình thực tế ở cơ sở về tổ chức, bộ máy và số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách các xã, phường, thị trấn có sự điều chỉnh phù hợp, hiện nay đa số có từ 33 đến 37 người trên mỗi xã, phường, thị trấn đúng theo khung số lượng quy định tại Nghị định số 34/2019/NĐ- CP. Riêng các xã, phường trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An đang thực hiện đề án sắp xếp tổ chức bộ máy với số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách là 29 người trên mỗi xã, phường, nhưng vẫn phát huy hiệu quả rất tốt.
Nhiều kiến nghị về công tác cán bộ
Tại hội nghị, Tỉnh ủy đã ghi nhận các khó khăn trong công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và lắng nghe các ý kiến đề xuất, kiến nghị của địa phương, như: Không phân biệt giữa cán bộ, công chức cấp xã với người hoạt động không chuyên trách; quy định thư ký Đảng ủy xã là người hoạt động không chuyên trách là chưa phù hợp; phụ cấp kiêm nhiệm đối với bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp, khu phố còn thấp và nhiều ý kiến, kiến nghị đề xuất về cơ chế đặc thù, tăng biên chế cho các phường đông dân cư, các chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động ở cấp cơ sở.
Các đại biểu đã đánh giá cao Đề án 711 giúp các cơ quan, đơn vị, địa phương tinh giản được số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ, năng lực ra khỏi hệ thống chính trị; giúp tuyển dụng mới được cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên và thích ứng với khối lượng, cường độ công việc ngày càng cao. Việc trẻ hóa, nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh thời gian qua, nhất là cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 thể hiện rõ nét so với các nhiệm kỳ trước.
Việc thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại các Đảng bộ cấp huyện trong thời gian qua đạt được một số kết quả nhất định. Quá trình triển khai thực hiện Đề án 711 chặt chẽ, thận trọng trong từng bước, từng khâu, bảo đảm nguyên tắc Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị và công tác cán bộ; bảo đảm được sự khách quan, dân chủ trong quá trình thực hiện việc tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức, bộ máy ở từng cấp, từng ngành.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn như việc thực hiện thí điểm kiêm nhiệm các chức danh ở cấp huyện, cấp xã một số vị trí chưa phù hợp; tình hình thực tế ở cơ sở gây áp lực cho cán bộ lãnh đạo, quản lý được phân công kiêm nhiệm, trong khi số lượng cấp phó giảm, biên chế giảm, khối lượng công việc ở cơ sở ngày càng tăng theo tốc độ phát triển chung của tỉnh. Việc định hướng kiêm nhiệm các chức danh ở ấp, khu phố theo định hướng đề án (bí thư hoặc phó bí thư chi bộ đồng thời là trưởng ấp, khu phố; phó trưởng ấp đồng thời là công an viên) đối với các địa phương có mật độ dân cư đông, địa bàn phức tạp, nhiều khu cụm công nghiệp, tốc độ phát triển kinh tế nhanh như TP.Dĩ An, TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An gặp nhiều khó khăn, không bảo đảm thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Đối với sự nghiệp giáo dục, việc sáp nhập giảm đầu mối các trường học hiện đang gặp khó khăn…
Các kiến nghị này đã được lãnh đạo Tỉnh ủy ghi nhận. Sau khi Trung ương sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/ TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và có sự chỉ đạo thực hiện, Tỉnh ủy tiếp tục triển khai đến toàn hệ thống chính trị.
Tỉnh ủy thông báo, tạm dừng thực hiện thí điểm các mô hình theo Thông báo Kết luận số 16-TB/TW của Bộ Chính trị, cụ thể như sau: Đối với cấp tỉnh là mô hình Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp tỉnh; Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy đồng thời là Giám đốc Sở Nội vụ. Đối với cấp huyện là các mô hình Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cấp ủy đồng thời là Chánh thanh tra cấp huyện ở các địa phương, đơn vị đã thực hiện, hoàn thành trước tháng 3-2023; Trưởng ban Tổ chức cấp ủy đồng thời là Trưởng phòng Nội vụ cấp huyện ở các địa phương, đơn vị đã thực hiện, hoàn thành trước tháng 3-2023; hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy với cơ quan chuyên môn thuộc chính quyền cùng cấp có chức năng, nhiệm vụ tương đồng; Chánh văn phòng cấp ủy cấp huyện đồng thời là Chánh văn phòng HĐND và UBND cấp huyện. Thôi không thực hiện các mô hình thí điểm theo Đề án 711 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gồm: Hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy kiêm Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông; Văn phòng dùng chung khối Đảng, khối Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh; hợp nhất Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương và Báo Bình Dương… |
HỒ VĂN