Hiệu quả từ Cơ sở điều trị Methadone TP.Thủ Dầu Một
Hơn 2 năm nay, sáng nào anh Đ.T.T. (phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một) cũng đều có mặt tại Cơ sở điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone (thuộc Trung tâm Y tế TP.Thủ Dầu Một) để uống thuốc Methadone nhằm cắt cơn nghiện ma túy. Gần 15 năm nghiện ma túy, từng vật vã cai nghiện nhiều lần, anh T. vẫn không thể thoát được ma lực của heroin. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị bằng Methadone, anh T. đã dần cắt được cơn nghiện. “Sau hơn 2 năm điều trị, tôi không còn cảm giác thèm ma túy, thấy người khỏe hơn nhiều, không còn mệt mỏi như trước. Hiện nay, tôi vẫn đi làm để kiếm tiền tự nuôi sống bản thân”, anh T. nói.
(BDO)
Bệnh nhân đến uống thuốc tại Cơ sở điều trị Methadone TP.Thủ Dầu Một
Được thành lập từ tháng 6-2015, đến nay cơ sở đã điều trị cho hơn 500 bệnh nhân, thực hiện xét nghiệm tầm soát HIV cho tất cả bệnh nhân chưa điều trị ARV. Hiện tại, cơ sở có 89,2% số bệnh nhân tham gia điều trị có HIV được tiếp cận cơ sở điều trị ARV, hầu hết các bệnh nhân HIV đều đã và đang được điều trị dự phòng lao bằng INH. Để làm tốt công tác này, trong thời gian qua, cơ sở đã phối hợp với các ban ngành, địa phương trong toàn tỉnh để tuyên truyền vận động người bệnh tham gia chương trình. Xét duyệt hồ sơ tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Phối hợp với công an các xã, phường trên địa bàn tỉnh và công an phòng chống ma túy tỉnh để hỗ trợ công tác xác định đối tượng nghiện. Dược sĩ Trịnh Hoàng Anh Vũ, Phó trưởng Cơ sở điều trị Methadone TP.Thủ Dầu Một cho biết, hầu hết các bệnh nhân đã theo điều trị tốt, có sự cải thiện về sức khỏe, tâm lý ổn định, giao tiếp tự tin, tái hòa nhập cộng đồng. Nhiều bệnh nhân đã từ bỏ được ma túy, đi học nghề, tìm được việc làm và có thu nhập ổn định, giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế.
Việc triển khai chương trình đã nhận được sự đồng tình, quan tâm của người nhà bệnh nhân. Sự nhiệt tình hỗ trợ của các gia đình bệnh nhân đã góp phần không nhỏ trong việc giúp đỡ người nghiện từ bỏ được ma túy mà còn tái hòa nhập cộng đồng sớm hơn. Trong số các bệnh nhân tham gia đã tác động tích cực trong việc thu hút sự quan tâm, tìm hiểu của bạn nghiện và từ đó họ tự nguyện đến đăng ký tham gia chương trình… Tuy nhiên, theo dược sĩ Vũ, nhận thức của một bộ phận người dân, người nghiện ma túy còn hạn chế. Họ chưa hiểu đúng và đầy đủ về chương trình điều trị. Mặt khác, sự mặc cảm của người bệnh, sự kỳ thị của xã hội vẫn còn tồn tại nên một số người bệnh không tự tin khi đến cơ sở điều trị. Hoặc có người chưa muốn từ bỏ mà vẫn muốn tiếp tục sử dụng ma túy. Đây là lý do làm cho việc thực hiện chỉ tiêu còn nhiều vướng mắc…
H.THỦY