Hiệu quả từ Câu lạc bộ phòng chống HIV/AIDS

Thứ tư, ngày 20/10/2010

  Các thành viên CLB tuyên truyền người dân cùng tham gia PC HIV/AIDSCâu lạc bộ (CLB) Phòng chống (PC) HIV/AIDS thị trấn An Thạnh (Thuận An) thành lập tròn 1 năm, với vỏn vẹn 10 thành viên. Vượt qua muôn vàn khó khăn họ làm nên thành quả thật lớn: tiếp cận nhóm đối tượng có nguy cơ cao, công nhân trong các khu nhà trọ... để tuyên truyền về cách PC HIV/AIDS, phát bao cao su (BCS), bơm tiêm...

 Đánh giá hiệu quả hoạt động của các CLB PC HIV/AIDS, bác sĩ Văn Quang Tân, Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc dự án PC HIV/AIDS cho thanh niên (TN) nói, công tác PC HIV/AIDS cho TN có rất nhiều khó khăn, nhất là việc tiếp cận các đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ cao nhưng không phải vì thế mà không làm. Chúng ta cần phải làm tích cực hơn, với nhiều giải pháp đồng bộ hơn.

Đúng như khẳng định của giám đốc dự án, CLB PC HIV/AIDS của thị trấn An Thạnh không ngoại lệ. Việc tiếp cận các đối tượng gặp nhiều khó khăn, khi mà các thành viên đa phần là đoàn viên, TN. Với các bạn việc tuyên truyền PC HIV/AIDS thuộc về vấn đề... nhạy cảm. Bạn Trần Thị Thanh Trang, Phó Bí thư Đoàn thị trấn, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: “Ban đầu, tụi em mắc cở lắm. Chuyện mình bị tuyên truyền... ngược xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, xác định đây là việc phải làm, cộng với việc thường xuyên được tập huấn nên tụi em ngày càng mạnh dạn hơn”. Khó khăn không dừng lại ở chuyện... bị tuyên truyền ngược, mà ngay chính thành viên CLB cũng có cảm giác... sợ sợ mấy bạn hút chích như chính Chiêm Quốc Tín thổ lộ: “Ban đầu em tham gia CLB vì ham vui thôi chứ nói thiệt khi tiếp cận những đối tượng này thấy sợ sợ. Tuy nhiên, chỉ qua 2 lần tiếp cận, rồi cùng các thành viên khác tuyên truyền, tự nhiên em thấy thích thật sự. Bởi em thấy vui khi các bạn TN nhận thức được tầm quan trọng của việc PC lây lan HIV/AIDS trong cộng đồng”. Ngoài ra, các đối tượng nghiện ma túy thường xuyên thay đổi nơi cư trú... nên việc gặp gỡ đã khó chứ đừng nói tuyên truyền.

Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, sau một năm hoạt động, CLB đã gặt hái khá nhiều thành công. Hiện, mỗi tháng CLB phát khoảng 800 - 1.000 BCS cho các đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao, thanh niên nhà trọ, học sinh - sinh viên và khoảng 400 - 500 cho thanh niên công nhân ở công ty; phát trên 4.000 tờ rơi về PC HIV/AIDS, cách sử dụng BCS đúng cách, PC ma túy... đặc biệt đưa khoảng 100 người đi xét nghiệm HIV tự nguyện miễn phí.

Với CLB, có được thành tích đó là nhờ công rất lớn của 2 cánh chim đầu đàn của CLB là chị Nguyễn Thị Dạ Thảo và Đỗ Thị Thu Trang, cán bộ khu phố, đều đã 50 tuổi. Chị Thảo, Trưởng nhóm đồng đẳng tự hào khoe: “Tôi làm công tác tuyên truyền các đối tượng nghiện ma túy từ ngày còn là công nhân điêu khắc. Vì vậy tôi có thể nhìn mặt là đoán được đối tượng nghiện hút. Ngoài ra, nhờ mình lớn tuổi, biết cách tiếp cận nên dễ tuyên truyền cho các em hiểu”. Chị Thảo trước đây là một cô giáo cấp 1. Tuy nhiên, thời đó kinh tế khó khăn, đồng lương cô giáo không nuôi nổi 3 đứa con ăn học nên chị chuyển sang nghề buôn bán chén, rồi đến công nhân điêu khắc - một nghề thời thượng với thu nhập khá cao thời đó. Ngày đó, ma túy đã bắt đầu len lỏi đến vùng nông thôn của chị. Bằng kinh nghiệm của một đàn chị, chị đã tiếp cận các bạn, trong số đó không ít người đã từ bỏ hẳn ma túy, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Bạn Trang cho biết, để CLB hoạt động hiệu quả, hàng tháng Ban chủ nhiệm CLB lên kế hoạch sinh hoạt, tuyên truyền về nguy cơ, tác hại của ma túy và con đường lây nhiễm HIV/AIDS cho các thành viên. Để có thể phủ khắp địa bàn, CLB chia thành 3 nhóm nhỏ: nhóm tuyên truyền cho học sinh trường học; nhóm tuyên truyền cho TN công nhân khu nhà trọ, công ty và nhóm chuyên “trị” TN khu phố. Ngoài ra, CLB còn tiếp cận các gia đình có con ở độ tuổi TN để vận động cha mẹ giáo dục con cái tránh xa ma túy, PC HIV/AIDS. Thời gian hoạt động, chủ yếu là ban đêm, ngày nghỉ. Thông qua những hoạt động này nhằm phát hiện kịp thời những người bị nhiễm HIV/AIDS để công tác PC HIV/AIDS cho cộng đồng đạt hiệu quả; đồng thời người bị nhiễm HIV được chữa trị, cấp thuốc miễn phí.

Mặc dù việc tiếp cận, tuyên truyền PC HIV/AIDS còn muôn vàn khó khăn nhưng có thể nói, thông qua các hoạt động của CLB đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, hiểu rõ tác hại của ma túy, nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS trong TN. Từ đó, các nhóm đối tượng có nguy cơ cao thấy rõ trách nhiệm của bản thân với cộng đồng, hạn chế lây nhiễm HIV cho cộng đồng. 

THU THẢO