Hiệu quả từ các cuộc vận động
(BDO) Giai đoạn 2005-2010, ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) Bình Dương có những bước chuyển tích cực. Các cuộc vận động (CVĐ) lớn của ngành như: “Hai không”; học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh; mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo; xây dựng trường học thân thiện, học sinh (HS) tích cực, như một luồng sinh khí mới, góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, tạo được niềm tin đối với xã hội.
Xây dựng trường học thân thiện, HS trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (TX.Bến Cát) đã tích cực học tập khi đến lớp
Hiệu quả từ “hai không”
Từ năm học 2006-2007, Bộ GD-ĐT phát động CVĐ “Hai không” (nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Hưởng ứng cuộc vận động này, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo quyết liệt đến tất cả các đơn vị trường học trong tỉnh. Các đơn vị xây dựng chương trình hành động giai đoạn 2006-2010 với yêu cầu: Nâng cao đạo đức nhà giáo, giáo dục tính trung thực cho HS, bảo đảm trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục và nhà trường trong việc ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực; tập trung chỉ đạo dạy thật, học thật và thi nghiêm túc, cương quyết làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục; tổ chức các cuộc thi trong giáo viên do ngành và Bộ GD-ĐT phát động…
CVĐ “Hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông giai đoạn 2006- 2010. Để cụ thể hóa CVĐ này, ngành GD-ĐT đã đề ra phương châm hành động: “Dạy thật - học thật - thi thật - chất lượng thật”. Chính việc “chống tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích và vi phạm đạo đức nhà giáo” sẽ dẫn đến thi thật - dạy thật; “học thật, chất lượng thật” thì chắc chắn sẽ không còn tình trạng HS ngồi nhầm lớp. Đến nay, CVĐ này vẫn tiếp tục được duy trì, qua đó trật tự kỷ cương trong thi cử có tiến bộ rõ rệt, chất lượng giáo dục được nâng lên, đặc biệt là kết quả thi tốt nghiệp THPT và thi đại học hàng năm đã đi vào thực chất.
Học sinh đoạt các giải cao tại cuộc thi “HS giỏi tiếng Việt - ngữ văn phổ thông, giải thưởng Sao Khuê”
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Dấu ấn đậm nét ở giai đoạn này là ngành GD-ĐT triển khai trong toàn ngành CVĐ “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh”. CVĐ này đã được ngành cụ thể hóa qua CVĐ “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Với người thầy, chuẩn mực đạo đức được đặt lên hàng đầu. Thầy có mực thước thì trò mới nể phục, xã hội kính trọng. Đạo đức của người thầy thể hiện qua ứng xử sư phạm, tác phong trong
giao tiếp đối với đồng nghiệp, với phụ huynh, HS và trong quan hệ xã hội. Đạo đức nguời thầy còn được thể hiện qua sự tâm huyết với nghề, tất cả vì HS thân yêu. Với mỗi người, để không bị xã hội đào thải phải thường xuyên học tập, với người thầy càng phải tích cực học tập, trau dồi chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài được ngành cử đi học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, từng nhà giáo còn tích cực tự học để đạt chuẩn và nâng chuẩn.
Nghề dạy học là nghề sáng tạo, do đó người thầy phải luôn tìm kiếm cái mới phù hợp và cách thức để phát huy sự sáng tạo của HS. Thời gian qua, đội ngũ nhà giáo ở các cấp học, bậc học đã có nhiều sáng kiến kinh nghiệm, làm nhiều đồ dùng dạy học phục vụ cho việc giảng dạy. Trọng tâm của CVĐ là thi đua “Dạy tốt - học tốt” gắn với CVĐ “Hai không” và phương châm “Dạy thật, học thật, thi thật, chất lượng thật”. Trong quá trình triển khai thực hiện, các trường có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc điểm của từng trường. Từ CVĐ này, đội ngũ nhà giáo yêu ngành, yêu nghề, yên tâm công tác, thương yêu HS, tận tâm, tận tụy trong giảng dạy.
Trường học thân thiện, HS tích cực
Có thể nói, ở giai đoạn này, ngành GD-ĐT tỉnh nhà thực hiện đổi mới thường xuyên, liên tục. Các CVĐ lớn ngày càng đi vào chiều sâu. Cùng với 2 CVĐ lớn nêu trên, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực” đã có tác động đáng kể vào hoạt động dạy và học ở các trường.
Để trường học được thân thiện, các nhà trường đã quan tâm xây dựng trường lớp xanh - sạch - đẹp - an toàn. Chung sức với ngành GD-ĐT, chính quyền địa phương các cấp đã tích cực tham gia chỉ đạo phong trào, nhiều địa phương đã đầu tư tăng cường cơ sở vật chất để phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Phong trào này đã có tác động đáng kể vào hoạt động dạy và học ở các trường.
Cùng với quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất trường lớp thêm khang trang, Sở GD-ĐT đã triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hàng năm, ngành tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, thi làm đồ dùng dạy học, qua đó đã kích thích lòng yêu nghề, sự say mê sáng tạo từ đội ngũ nhà giáo tâm huyết với nghề. Về phía giáo viên, thể hiện trách nhiệm của người thầy, các thầy cô đã tích cực đổi mới phương pháp dạy, ứng dụng công nghệ vào giảng dạy. Đối với HS, các cuộc thi như: Olympic, rung chuông vàng, giải thưởng Sao Khuê, giải toán Lương Thế Vinh… đã giúp cho ý thức học tập của HS được nâng lên, số HS giỏi đạt giải ở các hội thi ngày càng tăng.
HỒNG THÁI