Hiệu quả từ các công trình bảo vệ môi trường

Thứ năm, ngày 11/07/2019

(BDO) Thời gian qua, thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường (BVMT), công tác tuyên truyền, xây dựng công trình thu gom xử lý chất thải, nước thải và hệ thống quan trắc tự động giám sát xả thải BVMT đã được tỉnh quan tâm đầu tư, mang lại hiệu quả tốt.


Góp phần bảo vệ môi trường, thời gian qua các xí nghiệp xử lý nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nguồn nước đã qua xử lý trước khi thải ra môi trường.
Trong ảnh: Hoạt động kiểm tra, xét nghiệm chất lượng nguồn nước tại Xí nghiệp xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một

“Xanh hóa” kênh Ba Bò

Cụ thể hóa mục tiêu nói trên, tỉnh đã đầu tư 345 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách để nâng cấp, mở rộng và chỉnh trang kênh Ba Bò. Dòng kênh này đi qua địa bàn tỉnh Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh. Đơn vị thực hiện công trình đã tiến hành nạo vét, gia cố kênh nhằm tiếp nhận và chuyển tải nước mưa, nước thải đã qua xử lý từ các khu công nghiệp, Khu dân cư Đồng An, nước thải từ các hộ dân thuộc phường Bình Hòa, TX.Thuận An với tổng diện tích trên 656 ha. Tổng chiều dài tuyến kênh là 3.100m; tổng khối lượng bùn, rác phải thu gom, xử lý trên 1.000 tấn; khối lượng đất đào đắp trên 200.000m3.

Đại diện lãnh đạo phường Bình Hòa cho biết công trình này vừa góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, vừa là nơi để cư dân ngắm cảnh, sinh hoạt, vui chơi. Đặc biệt, để tránh tái diễn tình trạng ô nhiễm, lén lút xả thải, ngành chức năng đã lắp đặt hệ thống camera giám sát 24/24 giờ và hệ thống quan trắc tự động. Nhờ đó, kênh Ba Bò hiện nay đã trở thành dòng kênh đẹp trong đô thị.

Phát biểu tại lễ khánh thành nhà máy xử lý nước thải trong Khu công nghiệp Sóng Thần II mới đây, chủ đầu tư khu công nghiệp này cho biết việc nghiên cứu, đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, cộng với hệ thống giám sát, quan trắc kiểm tra thường xuyên của ngành tài nguyên và môi trường đã giúp các nhà đầu tư vào đây an tâm hơn. Bên cạnh đó, việc làm này cũng cho thấy Bình Dương là địa phương đi đầu về BVMT.

Đầu tư nhiều công trình quan trắc, giám sát môi trường

Ông Bùi Đức Thuận, Trưởng phòng Quan trắc tự động và dữ liệu thuộc Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết thể hiện quyết tâm của tỉnh là phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với BVMT, tỉnh đã đầu tư 38 công trình quan trắc phủ toàn địa bàn. Năm 2015, Sở Tài nguyên và Môi trường được đầu tư thêm công trình giám sát nước tại các điểm quan trắc, tập trung vào 3 vị trí trọng yếu là Sóng Thần, An Phú và Vĩnh Phú. Kết quả quan trắc được truyền trực tiếp về bộ phận quản lý để kịp thời thông báo, cảnh báo các trường hợp vi phạm quy định theo giấy phép đăng ký, xả thải không đạt tiêu chuẩn...

Năm 2015, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3258/QĐ- UBND phê duyệt danh mục vùng cấm, vùng hạn chế, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất và bản đồ phân khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Tỉnh cũng phê duyệt Đề án “Xác định vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương”, Đề án “Điều chỉnh, xác định bổ sung vùng cấm và hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Bình Dương”. Thực hiện quyết định và các đề án này, trên địa bàn tỉnh đã hạn chế được tình trạng khai thác bừa bãi, lãng phí nguồn nước dưới đất. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp nằm trong vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã chủ động trám lấp giếng khoan, chuyển sang sử dụng nước cấp tập trung.

Mặc dù vậy, theo ngành chức năng, hiện vẫn còn một số doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh không có giấy phép khai thác, sử dụng nước dưới đất hoặc giấy phép đã hết hạn nhưng vẫn tiếp tục khai thác sử dụng nước dưới đất. Những doanh nghiệp này khi biết ngành chức năng công bố quyết định kiểm tra thì thường đối phó bằng cách tháo dỡ thiết bị bơm hút nước hoặc tự thực hiện việc trám lấp giếng khoan không đúng theo quy định. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Bình Dương mà còn là tình trạng của chung các tỉnh phát triển công nghiệp có nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên nước dưới đất với lưu lượng lớn.

Xử lý nghiêm cơ sở gây ô nhiễm môi trường

Thực hiện chủ trương mọi người dân đều được tiếp cận, hưởng thụ thành quả kinh tế - xã hội của tỉnh mang lại, từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi và nước sạch, môi trường Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư 32 công trình nước sạch nông thôn tại 31 xã thuộc 4 huyện và 1 thị xã trong tỉnh. Tổng công suất các công trình này là 28.516m3/ngày đêm, phục vụ cho 94.422 hộ dân.

Bên cạnh đó, Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) làm nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho cư dân đô thị, sản xuất công nghiệp, đồng thời mở rộng hệ thống sang các xã nông thôn trong tỉnh.

Nhờ các công trình nói trên và sự đóng góp của Biwase, đến đầu năm 2018, tỷ lệ hộ dân nông thôn trong tỉnh có nước sạch và nước hợp vệ sinh sử dụng sinh hoạt đạt 99%, trong đó tỷ lệ nước sạch đạt 68,1%; tỷ lệ số hộ dân sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 97%; tỷ lệ chuồng trại chăn nuôi được xử lý chất thải đạt 88%.

Để tiếp tục làm tốt công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường và các ngành, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý những tổ chức, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường; tuyên truyền vận động nhân dân tham gia giữ gìn, bảo vệ nguồn nước, BVMT. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với ngành liên quan quản lý chặt chẽ các cơ sở hành nghề khoan giếng; phối hợp với các địa phương vận động dân đấu nối hệ thống nước thải sinh hoạt hộ gia đình vào hệ thống thu gom nước thải do Biwase quản lý, vận hành theo quyết định của UBND tỉnh.

 DUY CHÍ