Hiệu quả từ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
Qua gần 1 năm triển khai các chủ trương, chính sách của Chính phủ về thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu… Bình Dương đã có các chương trình, hành động cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp (DN) duy trì hoạt động ổn định, phát triển thị trường, tăng doanh số, qua đó thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2013 có bước tăng trưởng khá.
Tháo gỡ khó khăn…
Đầu năm 2013, khó khăn của nền kinh tế thế giới tiếp tục tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN. Giá các đơn hàng xuất khẩu, thị trường tiêu thụ giảm; lãi suất cho vay cao và tiếp cận vốn khó khăn, chi phí đầu vào tăng… đã khiến nhiều DN phải giải thể hoặc phá sản… Trước tình hình này, Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều chính sách hỗ trợ DN, khôi phục nền kinh tế. Tại Bình Dương, chấp hành nghiêm túc và nhanh chóng tinh thần chỉ đạo từ các quyết sách của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành đã triển khai thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Chính phủ về ngăn chặn suy giảm và duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết nợ xấu…
Tháo gỡ khó khăn cho DN nhằm thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, duy trì ổn địnhtăng trưởng kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương
Riêng ngành công thương Bình Dương, ngay từ đầu năm 2013 đã lập kế hoạch, tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư - thương mại, hỗ trợ DN quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, chương trình bình ổn thị trường… đã góp phần giải quyết hàng tồn kho. Ngoài ra, việc thực hiện khảo sát, nắm tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ DN nâng cao khả năng sản xuất, xuất khẩu cũng được chú trọng. Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Cư cho biết, tính đến hết quý III, sở đã tổ chức thực hiện thu thập thông tin và khảo sát tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh của 60 DN ở các lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí, gốm sứ… Qua các buổi làm việc với DN, ngành chức năng, các tham tán thương mại… đã trực tiếp lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của DN để tìm giải pháp tháo gỡ. Điều này có thể nhận thấy rõ tại những hội nghị đối thoại với DN thuộc các hiệp hội ngành hàng, chương trình gặp gỡ các tham tán thương mại do Sở Công thương tổ chức… Những băn khoăn về thông tin thị trường, thủ tục và chi phí mở văn phòng đại diện… đều được các chuyên gia trong ngành trả lời thỏa đáng.
…Mở rộng thị trường
Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương Trần Thành Trọng đánh giá rất cao sự quan tâm của ngành công thương qua các buổi đối thoại với DN hay chương trình gặp gỡ các tham tán thương mại. Theo ông Trọng, hiện các DN Bình Dương đã xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới, từ Đông Âu đến thị trường Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Trung cận đông… Nếu để DN tự mò mẫm, khai phá ở những thị trường xa xôi thì rất khó. Trong khi đó, qua gặp gỡ trực tiếp, các thông tin từ các tham tán thương mại sẽ giúp cho DN Bình Dương có thể lựa chọn phương hướng kinh doanh, đối tác, mặt hàng và có điều kiện tiếp cận sát nhất với các DN nước sở tại. Từ đó, giúp DN tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, tìm đối tác đầu tư từ thị trường ngoài nước. Theo Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, trong 9 tháng đầu năm 2013, ngành cơ điện tăng trưởng 15% so cùng kỳ. Nguyên nhân tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN bắt đầu có nhiều thuận lợi hơn so với năm 2012, sức mua thị trường nội địa tăng, thị trường xuất khẩu tiếp tục mở rộng, tỷ giá, lãi suất, giá nguyên liệu ổn định… là những yếu tố giúp ngành có bước tăng trưởng khả quan.
Giảm sức ép lãi suất
Theo Sở Công thương, bên cạnh những cố gắng vượt khó của DN, việc triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ quý II, tình hình sản xuất - kinh doanh đã được cải thiện, DN đã bớt khó khăn, tiêu thụ được sản phẩm. Xuất nhập khẩu 10 tháng năm 2013 duy trì mức tăng trưởng khá tốt. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 1.427,4 triệu USD, tăng 4,9% so với tháng trước; lũy kế ước thực hiện 11.270,7 triệu USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ, đạt 78% so với kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu lũy kế 10 tháng qua ước thực hiện 8.947,8 triệu USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ.
Trong thời điểm khó khăn, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã liên tiếp giảm mức lãi suất cơ bản. Tại địa phương, NHNN tỉnh đã yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thực hiện hạ lãi suất vay, tạo điều kiện cho DN tiếp cận vay vốn. Hiện lãi suất cho vay đối với khu vực DN vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ phổ biến ở mức 7 - 9%/năm (ngắn hạn) và 11,5 - 13%/năm (trung, dài hạn). Việc liên tiếp giảm lãi suất đầu vào, tạo điều kiện giảm lãi suất đầu ra trong thời gian qua đã mang lại những tác động tích cực cho DN. Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương Huỳnh Quang Thanh chia sẻ, các ngân hàng đã chung tay cùng DN vượt khó bằng cách rà soát lại hoạt động sản xuất, phân loại, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất theo chỉ đạo của Chính phủ, góp phần giúp nhiều DN duy trì sản xuất và vượt qua khó khăn.
Số liệu thông kê của NHNN cho thấy, mặt bằng lãi suất giảm đã góp phần tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay, dòng tín dụng đã và đang tăng lên. Tổng vốn huy động trên địa bàn tỉnh tính đến cuối năm 2013 ước đạt 79.980 tỷ đồng, tăng 9,1% so với cuối năm 2012 và dư nợ cho vay trên địa bàn ước đạt 61.470 tỷ đồng, tăng 14,2%. Có thể thấy rõ, sự vào cuộc của ngành ngân hàng đã tạo hiệu ứng tức thì trong việc góp phần khích lệ tinh thần và trực tiếp giúp các DN giảm bớt khó khăn trước mắt và nâng dần sức cạnh tranh.
TRÚC HUỲNH