Hiệu quả thu hút vốn đầu tư từ Nhật Bản
(BDO) Để tận dụng tối đa lợi thế liên kết vùng, Bình Dương đã và đang triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối tạo tiền đề cho phát triển. Với nguồn lực được Trung ương phân bổ hàng năm còn hạn chế, Bình Dương đã đề xuất và được Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thống nhất cho vay ODA để đầu tư Dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng với khoản vay 7,42 tỷ Yên (tương đương 1.336 tỷ đồng).
Đoàn đại biểu cấp cao tỉnh Yamaguchi (Nhật Bản) do ông Muraoka Tsugumasa (bìa trái), Thống đốc tỉnh Yamaguchi làm trưởng đoàn thăm và tìm hiểu môi trường sản xuất, kinh doanh tại Bình Dương
Hỗ trợ phát triển
Ngày 21-5, tại Hiroshima (Nhật Bản), Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio đã chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA với tổng trị giá 61 tỷ Yên (khoảng 500 triệu đô la Mỹ), gồm: Chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, Dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, Dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.
Như vậy, Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương là dự án tiếp theo của tỉnh được hỗ trợ vốn ODA từ Nhật Bản. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư theo đúng pháp luật Việt Nam. Dự án có tổng mức đầu tư 11,43 tỷ Yên (tương đương 2.058 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay JICA 7,42 tỷ Yên (tương đương 1.336 tỷ đồng), vốn tỉnh đối ứng là 4,01 tỷ Yên (tương đương 723 tỷ đồng). Phần vốn đối ứng được tỉnh Bình Dương thu xếp bảo đảm theo tiến độ dự án và khoản vay. Tiến độ dự án dự kiến thi công năm 2025 và hoàn thành cuối năm 2026.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ vốn ODA từ Nhật Bản, Bình Dương đã đầu tư hoàn thành 2 dự án cải thiện môi trường nước Nam Bình Dương giai đoạn 1 và giai đoạn 2; giải quyết vấn đề thoát nước và xử lý nước sinh hoạt tại đô thị TP.Thủ Dầu Một và TP.Thuận An. Tổng vốn ODA do JICA tài trợ khoảng 27,73 tỷ Yên (tương đương 5.753 tỷ đồng).
Ông Mai Hùng Dũng, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết phát triển bền vững là mục tiêu đề ra của Bình Dương. Tuy nhiên, với nguồn lực được Trung ương phân bổ hàng năm còn hạn chế nên tỉnh Bình Dương đã đề xuất và được JICA thống nhất cho vay ODA để đầu tư tuyến xe buýt nhanh thuộc dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho phát triển logistics thông suốt từ các khu công nghiệp đến cảng hàng không, cảng biển, phát triển các dự án đô thị tại thành phố mới Bình Dương và các dự án TOD trên tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn do Tập đoàn Tokyu nghiên cứu phát triển, tỉnh cũng đang đề xuất Chính phủ Nhật Bản, JICA hỗ trợ thu xếp nguồn vốn ODA với 2 dự án: Xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 tỉnh Bình Dương nối tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh từ ga cuối Suối Tiên đến thành phố mới Bình Dương và đường sắt công nghiệp Bàu Bàng - Thị Vải - Cái Mép dài 127,45km.
Tích cực trong thu hút đầu tư
Với lợi thế là tỉnh phát triển mạnh về công nghiệp, Bình Dương đang là sự lựa chọn tốt nhất của nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam, trong đó có Nhật Bản. Trong số 65 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Bình Dương, Nhật Bản hiện đứng thứ hai với 344 dự án, tổng số vốn gần 5,9 tỷ đô la Mỹ, chiếm 15% tổng vốn đầu tư vào tỉnh. Bình quân mỗi dự án của doanh nghiệp Nhật Bản có vốn trên 20 triệu đô la Mỹ, đây là con số bình quân cao nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Bình Dương hiện nay.
Các dự án có vốn đầu tư FDI Nhật Bản tại Bình Dương chủ yếu tập trung vào những lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử, mạch và chíp điện tử; sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất sắt thép, các ngành công nghiệp hỗ trợ, dịch vụ thương mại... Một số tập đoàn lớn đã đầu tư tại tỉnh là Panasonic, Sharp, Toshiba, Foster, Tokyu, Công ty Fujikura, Aeon Mall… Trong đó, tỉnh đã đẩy mạnh hợp tác với Tập đoàn Tokyu về phát triển hạ tầng, đô thị, giao thông; hợp tác với Tập đoàn Aeon về phát triển thương mại, với Mitsubishi về phát triển công nghiệp ô tô, với Tập đoàn Toshiba và Foster về sản xuất linh kiện điện tử… Tất cả những dự án này đã và đang góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo ông Hashimoto, Chủ tịch Tập đoàn Sharp, thời gian tới, Sharp sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư và xây dựng thêm nhà máy quy mô lớn, định hướng phát triển về các sản phẩm công nghệ cao, tiên tiến như sản xuất, gia công các sản phẩm điện tử, linh kiện công nghệ cao, điện thoại thông minh, sản xuất đồ điện tử gia dụng, điện gia dụng, sản phẩm sức khỏe… Ông Hashimoto đánh giá Bình Dương là địa phương có môi trường đầu tư hấp dẫn, phù hợp với tiêu chí của Sharp. Hiện tại, tập đoàn đã có 2 nhà máy sản xuất đặt tại KCN Việt Nam - Singapore (VSIP I) và VSIP II mở rộng.
Bình Dương hiện vẫn đang là vùng đất với nhiều hứa hẹn mang lại sự phát triển cho các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp cả ở trong và ngoài nước, nhất là khi hệ thống cơ sở hạ tầng của tỉnh liên tục được đầu tư, hoàn thiện. Bên cạnh đó những cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng của tỉnh, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đã tạo được sự chú ý, quan tâm của các nhà đầu tư.
NGỌC THANH