Hiệu quả thiết thực từ cao su tiểu điền
Bình Dương là một trong những tỉnh có diện tích trồng cao su lớn của cả nước. Trong thời gian qua phong trào trồng cao su tiểu điền (CSTĐ) của nông dân trong tỉnh phát triển rầm rộ và bước đầu cho thấy CSTĐ đã đem lại hiệu quả thiết thực. CSTĐ đã và đang góp phần nâng cao đời sống cho người nông dân, phát triển hạ tầng nông thôn. Có rất nhiều hộ gia đình đã đổi đời nhờ CSTĐ.
Cao su tiểu điền đã và đang mang lại cuộc sống sung túc cho nhiều hộ gia đình ở nông thônCSTĐ phát triển rầm rộ!
Hiện nay, diện tích trồng cao su trên địa bàn tỉnh vào khoảng hơn 125.000 ha, trong đó diện tích cao su tiểu điền chiếm khoảng 65% và có khoảng 70% diện tích CSTĐ đang trong thời kỳ khai thác mủ. Trong những năm gần đây, cây cao su đã bắt đầu trở lại với vị thế là một loại cây công nghiệp lâu năm cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định. Xuất phát từ những lợi thế như vậy, người nông dân đã tập trung phát triển CSTĐ. Các huyện có diện tích CSTĐ lớn là Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Bến Cát.
Tại huyện Phú Giáo, trong thời gian qua diện tích CSTĐ phát triển khá rầm rộ và cũng chính từ những sự phát triển này mà cuộc sống của những người nông dân nơi đây đã có những thay đổi lớn. Đến cuối năm 2009, diện tích CSTĐ tại Phú Giáo là hơn 17.000 ha (năm 2008 là hơn 15.000 ha). Đã bắt đầu xuất hiện nhiều hộ nông dân khá, giàu từ CSTĐ. Trong năm qua, giá mua mủ cao su tăng ở mức gần 500 đồng/độ, cao gấp 3 lần so với năm trước làm cho nguồn thu từ 1 ha cao su tăng lên hơn 1 triệu đồng/ngày. Với mức thu nhập như vậy, nhiều nông dân trồng cao su rất phấn khởi vì có lời cao và nhiều hộ tiếp tục đầu tư mở rộng thêm diện tích.
Ông Nguyễn Tấn Long, Phó phòng Kinh tế huyện Phú Giáo phấn khởi cho chúng tôi biết: “Người trồng cao su trên địa bàn huyện vừa qua đã có một cái tết sung túc hơn nhờ CSTĐ mang lại. Hiện nay người trồng cao su trên địa bàn huyện rất phấn khởi vì trong thời gian qua giá cao su ổn định, thời tiết thuận lợi cho cao su phát triển và theo dự báo là trong năm nay giá mua mủ cao su sẽ tiếp tục ổn định”. Anh Cường, ngụ tại xã Tân Hưng huyện Bến Cát tâm sự: “Tôi trồng được hơn 4 ha cao su và đã bắt đầu khai thác từ 4 năm nay. Năm qua giá mua mủ cao su tiếp tục ổn định, không lên xuống thất thường như năm ngoái nên gia đình chúng tôi rất an tâm. Chúng tôi đã xây được nhà, “tậu” được xe hơi là nhờ cao su”. Không chỉ anh Cường mà hầu hết người trồng cao su trên địa bàn tỉnh đều phấn khởi và hy vọng vào những lợi ích thiết thực mà cây cao su mang lại trong thời gian qua.
Cần có sự hỗ trợ thiết thực
Trước những lợi ích lớn từ cao su mang lại, trong thời gian qua nông dân trên địa bàn tỉnh đã tập trung vào việc trồng cao su và đã phát triển thành phong trào. Tuy nhiên, việc phát triển CSTĐ theo phong trào cũng chứa đựng những bất ổn tiềm ẩn. Một trong những hạn chế của việc phát triển CSTĐ trong thời gian qua là nằm ở vùng sâu, vùng xa; diện tích manh mún nên gặp nhiều khó khăn trong việc áp dụng các tiến bộ khoa học trong trồng và khai thác một cách đồng bộ; vận chuyển sản phẩm khó khăn. Thực tế cho thấy năng suất CSTĐ chỉ bằng 1/2 so với cao su quốc doanh, vì sử dụng giống cũ, năng suất thấp. Bên cạnh đó việc tập huấn cho người nông dân về cây cao su cũng chưa tới nơi, tới chốn. Nhiều hộ gia đình khai thác vườn cao su gia đình theo kiểu “cha truyền con nối” nên vườn cây thường bị cạo ép, cạo phạm, miệng cạo không được chăm sóc...
Ông Nguyễn Tấn Long cho biết trong thời gian qua, Phòng Kinh tế huyện cũng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác cao su cho nông dân trên địa bàn huyện nhưng số lượng này vẫn chưa được nhiều. Bên cạnh đó nhiều nông dân mặc dù đã được tập huấn nhưng do tập quán sản xuất còn lạc hậu nên vẫn không áp dụng có hiệu quả các kiến thức đã học. Việc liên kết giữa khai thác và chế biến của CSTĐ chưa hiệu quả nên dẫn đến tình trạng người trồng CSTĐ bị các thương lái ép giá, gây ra nhiều thiệt thòi cho người trồng cao su.
Chính vì những bất cập nêu trên, việc phát triển CSTĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới rất cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc quy hoạch vùng hợp lý. Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về thâm canh trồng, khai thác vườn cây cho các hộ nông dân cũng quan trọng không kém giúp CSTĐ nâng cao năng suất. Nếu có quy hoạch cụ thể, có định hướng phát triển lâu dài sẽ giúp cho CSTĐ phát huy hết những lợi thế và qua đó cũng phù hợp với định hướng phát triển chung của tỉnh.
CAO SƠN