Hiệu quả sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội

Thứ tư, ngày 28/08/2019

(BDO) Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua ở Bình Dương đã khẳng định đây là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân...

 Quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW đến từng đối tượng

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Bình Dương, cho biết ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 40- CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 40-CT/TW đến toàn thể cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Tỉnh ủy ban hành công văn chỉ đạo hệ thống chính trị địa phương tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, đồng thời chỉ đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW; tại các nghị quyết lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm đều có nội dung, chỉ đạo thực hiện Chỉthịsố40-CT/TW.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Dương, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò của tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; quyền lợi và trách nhiệm của các đối tượng chính sách trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi.


Khách hàng đến làm thủ tục vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương

Ngay sau đó cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp thống nhất quan điểm về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Từng địa phương luôn quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cụ thể ở địa phương bố trí chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH cấp huyện; quan tâm cấp nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH tại địa phương để bổ sung thêm nguồn lực cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Một số kết quả nổi bật

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm năm 2014 (trước khi có Chỉ thị 40/CT-TW), tổng dư nợ đạt 1.050.198 triệu đồng (dư nợ bình quân 13 triệu đồng/hộ), vốn ủy thác địa phương chỉ đạt 63.925 triệu đồng, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,35% với 10 chương trình cho vay. Từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, Ban đại diện Hội đồng Quản trị các cấp đã thực hiện tốt quy chế hoạt động, các nghị quyết của cấp mình và cấp trên đề ra. Nhờ đó, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội tăng 1,5 lần từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW; góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn nhân lực, ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Tính đến ngày 30-6-2019, tổng dư nợ đạt 2.416.910 triệu đồng, tăng 1.366.712 triệu đồng (tăng 1,3 lần) so với năm 2014, với 68.885 khách hàng đang vay vốn. Nguồn vốn tín dụng chính sách đưa đến 100% các khu phố, ấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn. Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được nâng lên, tỷ lệ nợ quá hạn đã giảm từ 0,35% (cuối năm 2014) xuống còn 0,18% (tháng 6-2019).

Từ hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong 5 năm qua, NHCSXH Bình Dương đã hỗ trợ vốn cho hơn 119.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, với tổng số tiền cho vay là 3.288 tỷ đồng, góp phần giúp cho hơn 10.000 lượt hộ vượt ngưỡng nghèo vươn lên làm giàu; hơn 5.000 học sinh, sinh viên có điều kiện học tập tốt hơn; hơn 39.000 lao động được duy trì, tạo việc làm mới; hơn 94.000 công trình nước sạch và vệ sinh xây dựng mới, sửa chữa đạt chuẩn quốc gia; giải ngân cho 103 hộ vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây mới hoặc sửa chữa nhà để ở; cho vay 32 doanh nghiệp nhỏ và vừa; vốn tín dụng chính sách góp một phần giúp cho 49 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội thời gian qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư là một quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, là kim chỉ nam quan trọng trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội.

“Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững, về hoạt động tín dụng chính sách xã hội nhằm góp phần tích cực thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu về giảm nghèo bền vững, phát triển giáo dục, dạy nghề, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Bảo đảm 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu và đủ điều kiện vay đều được vay vốn tín dụng chính sách xã hội, được cung cấp các sản phẩm, dịch vụ của NHCSXH Bình Dương”.

(Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương)

 T.VY