Hiệu quả sau 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở
(BDO) Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2014, qua 5 năm triển khai ở Bình Dương đã đạt nhiều kết quả tích cực, từ đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật.
Thành viên trong tổ hòa giải ở xã Bạch Đằng, TX.Tân Uyên trao đổi nghiệp vụ định kỳ. Thời gian qua các tổ hòa giải ở địa phương này đã hòa giải thành nhiều mâu thuẫn, góp phần giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn. Ảnh: NGUYỄN HẬU
Trong 5 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được nhiều kết quả khích lệ. Các tổ hòa giải đã tiếp nhận 7.253 vụ việc; trong đó, hòa giải thành 6.033 vụ việc, đạt tỷ lệ 83.2%, chủ yếu là các mâu thuẫn tranh chấp về tài sản, hôn nhân và gia đình,...
Bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, cho biết: “Hòa giải ở cơ sở là một hoạt động mang tính xã hội tự nguyện, đã tồn tại từ lâu đời và trở thành truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
Bà Hoa cho biết thêm, cùng với thời gian, công tác hòa giải ngày càng phát huy tác dụng trong đời sống cộng đồng, góp phần củng cố tình làng nghĩa xóm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ động phòng ngừa và hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật. Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã hòa giải kịp thời nhiều vụ, việc vi phạm pháp luật, mâu thuẫn và tranh chấp trong nội bộ nhân dân, góp phần giảm số vụ việc phải chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, qua đó giữ gìn tình đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhân dân.
Luật hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, góp phần tăng cường tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, kịp thời ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần bảo đảm ổn định, trật tự, an toàn xã hội, giảm bớt các vụ việc phải chuyển đến tòa án hoặc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết, tiết kiệm thời gian, kinh phí cho Nhà nước và nhân dân, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Qua 5 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở có thể thấy hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành luôn ở mức cao, trung bình của 5 năm là 83,2%.
“Là những người trực tiếp, gần gũi với người dân, sinh sống tại địa phương nên tất cả vấn đề liên quan đến người dân, chúng tôi là người đầu tiên nắm rõ tình hình. Vì vậy, mỗi khi trong khu phố(ấp) có chuyện gì mâu thuẫn, hòa giải viên chính là người sâu sát, gần gũi và dễ dàng tiếp cận với đương sự hơn bất cứ ai. Không chỉ là “cầu nối” giữa mọi người, những người làm công tác hòa giải ở cơ sở còn tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước thông qua công tác hòa giải”, bà Lê Thị Ngọc Châu, hòa giải viên phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một cho biết.
Những năm gần đây, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng được nâng cao. Hàng năm đội ngũ này đều được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng. Đa số đội ngũ cán bộ, công chức được giao làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở đều tham mưu UBND cùng cấp thực hiện tốt công tác hòa giải tại địa phương như: Hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng hòa giải cho hòa giải viên; lập dự toán, quyết toán kinh phí hòa giải, hướng dẫn củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải và xây dựng báo cáo trình UBND cùng cấp ban hành theo đúng quy định...
Bình Dương hiện có 592 tổ hòa giải với 4.388 hòa giải viên, trong đó có 2.899 hòa giải viên nam; 1489 hòa giải viên nữ; 12 hòa giải viên là người dân tộc thiểu số. Trong đó có 102 công chức kiêm nhiệm được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về hòa giải ở cơ sở từ cấp tỉnh cho đến cấp xã. Hòa giải viên không chỉ là cán bộ tư pháp, cán bộ Hội Phụ nữ mà còn có sự tham gia của những người là hội thẩm nhân dân, cán bộ hưu trí, công an viên... |
TÂM TRANG