Hiệu quả mô hình trồng chuối sứ hữu cơ
(BDO) Đất nông nghiệp tại xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên hiện nay chủ yếu canh tác cây lúa và cây ăn trái có múi. Những năm qua, nhờ thành công từ dự án canh tác chuối sứ cấy mô theo hướng hữu cơ, do Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện triển khai, hỗ trợ giống, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn áp dụng, cho hiệu quả kinh tế cao.
Trồng chuối sứ theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Cơ, ấp 1, xã Thường Tân bên vườn chuối sứ của gia đình
Hiện trên địa bàn xã Thường Tân có rất nhiều hộ trồng chuối sứ đạt hiệu quả với diện tích canh tác khoảng 8 ha. Nhiều nông dân cho biết trồng chuối sứ có ưu điểm như đầu tư ít vốn, đỡ công chăm sóc, ít bị sâu bệnh, không ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, có thu nhập thường xuyên và giá cả ổn định. Đặc biệt, ngoài giá trị từ buồng chuối, bắp chuối, lá chuối và thân chuối có thể bán ra thị trường, hoặc dùng ủ làm phân bón hữu cơ và làm thức ăn cho gia súc.
Một trong những người trồng chuối sứ hiệu quả phải kể đến là ông Nguyễn Văn Cơ, ấp 1, với diện tích 1 ha, khoảng 2.000 cây. Ông Cơ cho biết bên cạnh trồng cây ăn trái có múi, gia đình ông trồng chuối sứ đã được 5 năm. Với 1 ha đất trồng, năm đầu tiên cho năng suất 20 tấn, doanh thu đạt hơn 200 triệu đồng. Từ năm thứ 2 trở đi, cây mẹ đẻ cây con, một năm thu hoạch 3 đợt khoảng 60 tấn. Chuối sứ trồng 8 tháng có thể thu hoạch bắp chuối và 1 năm sẽ thu hoạch buồng. Bắp chuối được gia đình bán 10.000 đồng/ bắp và lá chuối 8.000 đồng/kg. Cũng theo ông Cơ, ưu điểm của cây chuối sứ là sản lượng tăng hàng năm và rất dễ trồng. Tuy nhiên, để cho năng suất cao và buồng chuối đẹp chỉ nên duy trì 2 đến 3 thế hệ trong 1 bụi chuối. Chính vì vậy, phương pháp chăm sóc, làm lá, đầu tư phân bón, tưới tiêu cho cây rất quan trọng.
Đặc biệt, cây chuối sứ có nhiều chất kali nên có khả năng cải tạo đất rất tốt. Nắm bắt được điều này, gia đình ông Cơ đã tiến hành trồng xen canh cây chuối sứ vào vườn bưởi, vừa có tác dụng cải tạo đất, diệt cỏ, lại có thể lấy ngắn nuôi dài. “Trồng chuối 1 năm đã cho thu hoạch, còn cây bưởi 2 năm đầu chỉ tập trung chăm sóc. Với những vườn bưởi mới trồng, trong 2 năm đầu trồng xen canh chuối, lợi nhuận thu được từ cây chuối trong thời gian này đủ chi phí cho chăm sóc bưởi. Còn đối với những vườn bưởi già cỗi, trồng xen canh chuối sau 2 năm đất được cải tạo tốt có thể tiếp tục trồng bưởi. Đây chính là hiệu quả “kép” từ việc trồng cây chuối sứ, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân”, ông Nguyễn Văn Cơ cho biết thêm. Được biết, mặt hàng chuối sứ theo hướng hữu cơ của gia đình ông Cơ còn được khách hàng ký kết để xuất khẩu sang Nhật, mỗi lần giao khoảng 1 đến 2 tấn.
Ông Nguyễn Tấn Thịnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Tân, chia sẻ nhờ phát triển kinh tế vườn, trong đó có sự đóng góp hiệu quả từ mô hình trồng chuối sứ theo hướng hữu cơ đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho một số hộ nông dân ở xã. Để nâng cao hiệu quả trồng cây chuối sứ, xã Thường Tân thường xuyên phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện để phổ biến hướng dẫn nông dân về kỹ thuật, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên chuối sứ.
“Sự thành công trong việc trồng chuối sứ nuôi cấy mô tại xã Thường Tân là tín hiệu rất vui cho bà con nông dân trên địa bàn. Sắp tới mô hình này sẽ tiếp tục được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện phối hợp với các đơn vị liên quan nhân rộng ở các xã trên địa bàn Bắc Tân Uyên, bắt đầu từ xã Đất Cuốc”, ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết.
TIẾN HẠNH