Hiệu quả “hai trong một”

Thứ hai, ngày 01/08/2011

Đi đôi với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, Tân Uyên luôn chú trọng đào tạo nghề cho lao động (LĐ) nông thôn, nhằm tạo nguồn LĐ phù hợp với nhu cầu thực tế, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

  Anh Quang đang thao tác lái xe năng vận chuyển hàng

Chuyển biến rõ nét

Gặp anh Nguyễn Thanh Quang ở ấp Khánh Vân, xã Khánh Bình (Tân Uyên) trong khi anh đang bốc dỡ hàng lên chiếc xe nâng tại kho hàng Công ty TNHH Đại Lợi, tâm sự với chúng tôi, anh kể hơn 10 năm nay, anh làm ở công ty này. Do là LĐ phổ thông, nên ngày trước, anh chỉ bốc vác hàng. Sau này, công ty trang bị máy móc, thiết bị, kho hàng cũng có xe nâng, anh bắt đầu được anh em hướng dẫn điều khiển xe. Cho đến tháng 5 vừa qua, xã Tân Vĩnh Hiệp thông báo dạy nghề cho LĐ nông thôn, trong đó có lớp dạy lái xe nâng, anh nắm bắt kịp thời thông tin và quyết không bỏ qua cơ hội.

Học lớp lái xe nâng suốt 3 tháng, không những được miễn phí, anh còn được hỗ trợ 10.000 đồng/ngày. Để kết quả học tập tốt, công ty đã tạo điều kiện cho anh nghỉ 2 ngày/tuần và những buổi chiều khi vừa làm xong ca. Không bao lâu, anh có trong tay chứng chỉ lái xe nâng. Từ đó, anh chính thức làm công việc mà anh đã được đào tạo. Anh nói nhờ vậy mới cảm thấy an tâm trong công việc và ổn định cuộc sống.

Tân Vĩnh Hiệp là một trong những xã ở Tân Uyên giảm nghèo nhanh nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người LĐ. Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Tuấn Kiệt, cho biết thích ứng với tiến trình phát triển của huyện nói chung, năm 2008 đến nay, Tân Vĩnh Hiệp đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Xác định nhiệm vụ này, Tân Vĩnh Hiệp đặc biệt quan tâm đào tạo nghề cho LĐ nông thôn.

Ông Kiệt phân tích, theo tiến trình, từ năm 2003 đến nay, đất sản xuất nông nghiệp của xã ngày càng thu hẹp. 790 ha diện tích trồng rau màu 2 vụ để dành phát triển dự án Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương. Cũng với đà này, nhiều hộ dân làm nông nghiệp đã nhanh chóng thích nghi và tự chuyển sang mua bán, xây nhà trọ, ki-ốt cho thuê... Chính quyền địa phương cũng phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo nghề như điện công nghiệp, cơ khí chế tạo máy, lái xe nâng, giúp người dân có tay nghề khi vào làm cho các công ty, xí nghiệp. Ngoài ra, đối với số LĐ lớn tuổi, trước nay chỉ gắn bó với sản xuất nông nghiệp, cũng đã được chính quyền hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc sinh vật cảnh, sau đó họ được nhận vào làm nghề trồng và chăm sóc cây cảnh trong khu liên hợp.

Ông Kiệt cho biết thêm để triển khai tốt hơn công tác đào tạo nghề, xã sẽ chủ động khảo sát, đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua; đồng thời thành lập Ban chủ nhiệm đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐ địa phương và tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2011-2015.

Đề án đào tạo nghề... sẽ tiếp tục khả thi

Hiện nay, không chỉ ở Tân Vĩnh Hiệp mà hầu hết các xã ở Tân Uyên có nhiều chuyển biến rõ nét trong quá trình gắn đào tạo nghề với giảm nghèo. Từ năm 2007 đến nay, Tân Uyên đã tổ chức 56 lớp dạy nghề cho 1.378 học viên theo học. Đối tượng chủ yếu là LĐ hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo và LĐ nông thôn. Các nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu việc làm ở địa phương như kỹ thuật trồng, chăm sóc và cạo mủ cao su (100% học viên có việc làm tại các nông trường cao su và hộ cao su tiểu điền); lái xe nâng (90% học viên đều có việc làm). Các nghề khác như trồng nấm, may gia dụng, cắt uốn tóc, nấu ăn đãi tiệc, sửa xe gắn máy, điện hay kỹ thuật trồng rau an toàn, trồng và chăm sóc cây bưởi ở xã Bạch Đằng vừa kết thúc vào đầu tháng 7 với 65 người được cấp giấy chứng nhận... Tất cả đã giúp người dân các vùng nông thôn tự tạo việc làm thông qua ngành nghề đã được đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tân Uyên, cho biết cái được lớn nhất là thời gian qua, ngoài giảm chi phí, thời gian đi lại của học viên, (các lớp đào tạo nghề đều tổ chức trực tiếp ở xã), người dân còn nhanh chóng tiếp cận đồng thời giữa lý thuyết và thực hành. Nhờ vậy, hầu hết họ đều có việc làm ổn định. Thế nhưng, nếu xem xét một cách toàn diện, thì chương trình “hai trong một” này vẫn còn một số hạn chế, vì bên cạnh kinh phí, nguyên nhân chủ quan mà Tân Uyên cần phải khắc phục đó là các cấp, các ngành chưa phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện; nhất là chưa liên kết với doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề theo đơn đặt hàng... Nếu vượt qua rào cản đó, chắc chắn rằng kinh tế - xã hội ở Tân Uyên sẽ ngày càng phát triển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội một cách bền vững.

 

Nhờ gắn đào tạo nghề với giảm nghèo, Tân Uyên thu được hiệu quả thấy rõ. Nếu đầu năm 2011, toàn huyện có 919 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 2,83%; thì 6 tháng đầu năm đã có 156 hộ có mức thu nhập đạt trên chuẩn nghèo; trong số đó có 98 hộ có việc làm ổn định, 25 hộ sử dụng vốn vay hiệu quả sau các lớp học, 10 hộ được hướng dẫn cách làm ăn.

ĐỨC LÊ