Hiệu quả đưa nước sạch về nông thôn
Nhờ sự nỗ lực của cơ quan quản lý, vấn đề nước sinh hoạt và môi trường nông thôn ở Bình Dương không ngừng cải thiện. Hệ thống các công trình nước sạch đã về đến các xã nông thôn. Và các hộ gia đình nơi đây thực sự được sử dụng nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế.
(BDO) Cụm xử lý nước sạch Trạm cấp nước sạch tập trung nông thôn xã Bạch Đằng
Thực hiện Chiến lược quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, những năm qua, Bình Dương đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện nhiều chủtrương, chính sách nhằm huy động tối đa nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch. Con số thống kê của Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi vànước sạch Bình Dương cho biết, đến nay, Bình Dương đã có 98,5% số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch sinh hoạt, trong đó trên 62% số hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. So với 5 năm trước, con số này tăng gấp đôi.
Trạm cấp nước Bạch Đằng, TX.Tân Uyên là một trong những công trình cấp nước sạch đầu tiên ở khu vực nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách của tỉnh. Trạm có công suất 12.000m3/ngày đêm. Hoạt động từ năm 2007 đến nay, trạm đã cung cấp nước sạch cho gần 80% các hộ dân trong xã. Từ khi có nước sạch, người dân nông thôn xã Bạch Đằng đã thay đổi dần thói quen sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh. Từ đó, cuộc sống của người dân cũng được nâng lên.
Gần 10 năm nay, gia đình bàTống Thị Thu Lan ở xã Bạch Đằng đã sử dụng nguồn nước sạch của trạm. Bànói, trước đây, khi chưa có nguồn nước cấp, gia đình bà phải sử dụng nước giếng khoan. Trong khi đó, nơi đây, nguồn nước ngầm bị nhiễm phèn khá nặng nên ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nước sinh hoạt của gia đình. Với 6 thành viên gồm 4 người lớn và 2 trẻ em, mỗi tháng gia đình bà sử dụng khoảng 12m3 nước với giá khoảng 5.000 đồng/ m3. Như vậy, chi phí để sử dụng nước cấp của người dân nông thôn là khá thấp nhưng chất lượng nước sinh hoạt vẫn bảo đảm.
Không ngừng đầu tư mở rộng vànâng cấp các công trình nước sạch nông thôn, toàn tỉnh hiện có 31 công trình cấp nước sạch nông thôn được đầu tư bằng vốn ngân sách và xã hội hóa; trong đó, Trung tâm Đầu tư khai thác thủy lợi vànước sạch Bình Dương quản lý 28 trạm, Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Bình Dương quản lý 3 trạm. Ở mỗi trạm cấp nước sạch đều có bộ phận bảo trì và xét nghiệm. Định kỳ các mẫu nước sau xử lý sẽ được phân tích, so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế. Vì vậy, nguồn nước cung cấp đến người dân luôn bảo đảm chất lượng. Chính vì vậy. người dân đã tin tưởng và sử dụng nước sạch tại các trạm cấp nước.
Thói quen sử dụng nước mặt hay nước giếng khoan cũng thay đổi trong ý thức của người dân. Nếu năm 2010, toàn tỉnh có 6.500 hộ dân nông thôn sử dụng nước cấp thì đến cuối năm 2016 đã hơn 23.000 hộ. Trước năm 2014, mỗi năm, tỉnh phải bù khoảng 3 tỷ đồng để duy trìhoạt động của mạng lưới cấp nước sạch nông thôn thì từ năm 2015, các trạm cấp nước đã tự cân đối cho các hoạt động cấp nước. Điều này cho thấy mạng lưới cấp nước sạch nông thôn không chỉ được mở rộng mà còn hoạt động khá hiệu quả.
Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì tiêu chí 17.1 quy định tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch phải đạt tối thiểu 65%. Nếu xét tỷ lệ này ở khu vực nông thôn Bình Dương thì nhiều xã đạt và vượt xa tiêu chí này. Theo đà này, Bình Dương tiếp tục phấn đấu đến năm 2018 sẽ hoàn thành chỉ tiêu cấp nước sạch ở tất cảcác xã nông thôn. Nhiều dựán mở rộng mạng lưới cấp nước sạch ở các trạm cấp nước sạch nông thôn theo đó cũng đang được triển khai.
Nước sạch là một phần không thể thiếu của cuộc sống con người. Có nước sạch thì đời sống sinh hoạt của người dân mới được cải thiện. Vìvậy, việc phát triển mạng lưới cấp nước sạch ở nông thôn Bình Dương không chỉ giúp người dân tránh được những bệnh liên quan do sử dụng nguồn nước không bảo đảm chất lượng màcòn góp phần giúp cho nguồn nước ngầm ở các khu vực nông thôn trong tỉnh không bị khai thác quá mức.
P.V