Hiệu quả đào tạo từ trường tạo nguồn THCS Chu Văn An

Thứ hai, ngày 06/10/2014

(BDO) Với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH tỉnh nhà, ngành giáo dục đã tính đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực qua định hướng xây dựng trường THCS tạo nguồn. Năm học 2008- 2009, ngành đã chọn trường THCS Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một) thực hiện thí điểm đề án. Qua 6 năm đào tạo cho thấy, hàng năm số học sinh (HS) đạt giải HS giỏi các cấp tăng cao, trường cũng đã tạo nguồn HS giỏi vào học trường THPT chuyên Hùng Vương nhiều hơn.

Một tiết học của HS lớp 6 tạo nguồn. Ảnh: A.SÁNG

Kể từ năm học 2008-2009, mỗi năm trường THCS Chu Văn An tuyển sinh 3 lớp 6 tạo nguồn, với 90 HS. Chỉ tiêu tuyển sinh ít, nhưng số HS đăng ký dự thi cao, nên trường đã tuyển chọn được những HS thực sự giỏi vào lớp tạo nguồn. Và để chất lượng giáo dục đạt hiệu quả cao, nhà trường đã được tỉnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc giảng dạy các lớp tạo nguồn. Trường dành 1 phòng học cho 1 lớp tạo nguồn (các lớp đại trà 2 lớp/phòng). 12 lớp tạo nguồn được trang bị phương tiện dạy học hiện đại, gồm: Projector, màn hình, máy vi tính. Từ năm học 2013-2014, trường tổ chức học bán trú cho HS các lớp này nhằm góp phần nâng cao chất lượng học tập của HS.

Cô Đỗ Thị Như Hoa, Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An, cho biết các lớp tạo nguồn luôn nhận được sự quan tâm của Phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) TP.Thủ Dầu Một. Bên cạnh đội ngũ giáo viên hiện có, phòng còn điều động giáo viên có năng lực, trình độ trên chuẩn về giảng dạy các lớp tạo nguồn. Giáo viên thường xuyên được cử dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn, học tập các chuyên đề do bộ và Sở GD-ĐT tổ chức, giúp giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp.

Toàn tỉnh hiện có 5 trường THCS tạo nguồn là: Chu Văn An (TP.Thủ Dầu Một), Bình Thắng (TX.Dĩ An), Trịnh Hoài Đức (TX.Thuận An), Mỹ Phước (TX.Bến Cát) và Trần Hưng Đạo (huyện Phú Giáo).

Do là lớp tạo nguồn nên HS được học 2 buổi/ngày, buổi sáng các em học theo quy định phân phối chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành, buổi chiều học các môn nâng cao. Với HS lớp chọn, trình độ HS đồng đều nên khí thế học tập trong lớp luôn sôi nổi, HS chủ động tham gia các tiết học. Cô Lê Thị Thanh, giáo viên dạy văn lớp 6 nhận xét, HS lớp chọn giỏi đồng đều, tiếp thu bài nhanh nên buổi sáng các em đã được học phần nâng cao. Từ năm học 2010-2011, trường đã phân hóa HS sau lớp 7 theo hướng tổ chức 2 lớp nâng cao các môn tự nhiên và 1 lớp nâng cao các môn xã hội. Buổi chiều, tùy thuộc vào lớp phân hóa theo nhóm môn, các em sẽ học nâng cao các môn: Toán, lý, hóa, Anh văn, ngữ văn.

Với các lớp tạo nguồn, chất lượng HS vượt trội nên giáo trình giảng dạy cũng có mức độ cao hơn. Theo cô Như Hoa, việc dạy học các môn nâng cao được viết dưới dạng chuyên đề, mỗi năm HS được học 8 - 10 chuyên đề/môn, mỗi chuyên đề dạy từ 6 đến 10 tiết. Riêng học kỳ I năm học lớp 6, nhà trường dạy theo phân phối chương trình của bộ, chưa thực hiện dạy nâng cao.

Để có được đội ngũ HS giỏi thực sự, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, trường còn có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các lớp tạo nguồn. Trường tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa bộ môn, sinh hoạt câu lạc bộ, chuyên đề và tổ chức các cuộc thi bộ môn. Ngoài ra, giáo viên còn hướng dẫn cho HS phương pháp tự học.

Với HS giỏi, nhờ được phát hiện và đầu tư đúng hướng, nên hiệu quả đào tạo được nâng lên rõ rệt, tỷ lệ HS giỏi tăng cao. Riêng năm học 2013-2014, trường có 97,6% HS đạt loại giỏi, có 70/84 HS trúng tuyển vào lớp 10 trường THPT chuyên Hùng Vương, trong đó có 20 em được tuyển thẳng. Hiệu quả đào tạo ở các lớp tạo nguồn còn thể hiện qua kết quả thi HS giỏi cấp thành phố, tỉnh, bộ được tổ chức hàng năm. Trong các cuộc thi như giải thưởng Sao Khuê, giải toán Lương Thế Vinh, toán tuổi thơ, Olympic tiếng Anh qua internet, giải toán trên máy tính Casio, hùng biện tiếng Anh, đa số HS các lớp tạo nguồn đều giành được các giải thưởng.

Muốn nâng cao chất lượng giáo dục ở bậc THPT cần phải đầu tư từ những bậc học thấp. Việc phát hiện sớm HS có năng khiếu và bồi dưỡng kịp thời thì hiệu quả giáo dục càng cao. Ông Dương Thế Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT cho hay, mục tiêu của ngành là đến năm 2015, mỗi huyện, thị, thành phố sẽ có 1 trường tạo nguồn, làm cơ sở để tạo nguồn HS giỏi cho trường THPT chuyên Hùng Vương và trường THPT chất lượng cao Trịnh Hoài Đức

 A.SÁNG