Hiệu quả đào tạo nghề khi có sự gắn kết ba nhà

Thứ năm, ngày 13/12/2018

(BDO)  Trong những năm qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và doanh nghiệp (DN) luôn gắn kết với nhau để đào tạo đáp ứng nhu cầu về nhân lực qua đào tạo nghề phục vụ cho sự phát triển Thành phố thông minh Bình Dương tương lai.

Gắn kết dạy nghề

Bình Dương hiện có 82 cơ sở GDNN. Trong năm 2018, các cơ sở GDNN đã tuyển sinh đào tạo 39.135 học sinh, sinh viên, đạt 111,7%. Để có được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã có những bước đi phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo nghề của đơn vị, đáp ứng yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực trong tình hình mới. Nhờ đó đến nay, trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động trên địa bàn tỉnh đã được nâng lên, từng bước đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động; gần 26% lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ nghề. Tỷ lệ học sinh, sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nghề, nhất là ở các nghề thuộc khối kỹ thuật - công nghệ như điện tử, điện công nghiệp, cơ khí, cơ điện tử, công nghệ ô tô, công nghệ 3D… đạt trên 85%.

Lễ ký kết hợp tác tuyển dụng nguồn nhân lực giữa doanh nghiệp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp quản trị công nghệ Bình Dương. Ảnh: T.V

Các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã từng bước thực hiện các chương trình dạy nghề gắn kết với DN, như đưa học sinh đến thực tập tại DN, làm quen với môi trường sản xuất, kinh doanh và đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề theo đơn đặt hàng của DN, bình quân mỗi năm đào tạo bồi dưỡng, cập nhật kiến thức thông qua ký kết hợp đồng trực tiếp với DN cho hàng ngàn lao động, với ngành nghề theo yêu cầu của DN như: Vận hành máy thi công cơ giới, vận hành xe nâng hàng, cần trục… Học sinh ra trường từ các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đều tìm kiếm được việc làm ổn định. Từ chủ trương “đào tạo phải gắn với việc làm”, trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore là một điển hình. Nhà trường luôn phối hợp với các DN trong việc cung cấp học sinh, sinh viên tốt nghiệp của trường tham gia lao động sản xuất tại DN. Trường có Phòng Đối ngoại - Nghiên cứu ứng dụng đảm nhận liên hệ DN giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên tốt nghiệp.

Với phương châm là “Học việc - Việc làm - Cuộc sống - Tương lai”, Trung tâm GDNN quản trị công nghệ Bình Dương đã tiên phong trong công tác đào tạo gắn liền với nhu cầu của DN. Trong 5 năm gần đây, trung tâm đã xác định việc làm cho học viên sau khi tốt nghiệp là yếu tố quan trọng và quyết định đến uy tín và chất lượng của trung tâm. Vì vậy từ năm 2013, trung tâm đã ký cam kết giới thiệu việc làm với người học. Để bảo đảm thực hiện đúng cam kết thì trung tâm đã đi đến các DN đang sản xuất, kinh doanh tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh để nắm bắt được nhu cầu tuyển dụng ở hiện tại và tương lai của DN, từ đó trung tâm đã hợp tác giới thiệu việc làm cho rất nhiều DN và được DN đánh giá cao về tay nghề cùng với thái độ tác phong tốt của từng ứng viên lao động tại DN mà trung tâm đã giới thiệu.

Liên kết giữa ba nhà

Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết căn cứ Chương trình số 22/CTr- TU của Tỉnh ủy Bình Dương về “Phát triển đô thị theo hướng văn minh, giàu đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân”, năm 2016, UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Chương trình chiến lược đột phá của Bình Dương đến năm 2021 (còn gọi là Bình Dương Navigator 2021) và là trọng điểm của dự án Thành phố thông minh Bình Dương. Mô hình thành phố thông minh sẽ tập trung vào sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà DN. Đây là một chương trình giúp Bình Dương phát triển nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ đó từng bước chuyển hóa từ nền công nghiệp sản xuất truyền thống sang sản xuất công nghệ cao và dịch vụ có hàm lượng chất xám cao, ít thâm dụng lao động, nâng cao giá trị gia tăng cho nền kinh tế địa phương.

Để hình thành và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phục vụ cho sự phát triển Thành phố thông minh Bình Dương tương lai, tỉnh đã chủ động, tăng cường và ưu tiên đầu tư cho đào tạo nghề; điều chỉnh quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới dạy nghề, cơ sở đào tạo và các ngành nghề; thực hiện cơ chế liên thông trong đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng để người lao động có nhiều cơ hội học tập, từng bước hình thành đội ngũ công nhân kỹ thuật giỏi, nhân viên lành nghề trong các ngành và lĩnh vực. Để bảo đảm nguồn lực phục vụ Đề án Thành phố thông minh Bình Dương trong thời gian tới, trong năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội thảo đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của DN tại trường Cao đẳng Y tế Bình Dương với 120 lượt người tham dự của 84 đơn vị. Phối hợp Báo Bình Dương, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Dương tuyên truyền các thông tin, tư vấn về học nghề trên chuyên mục Dạy nghề - Việc làm, giáo dục hướng nghiệp năm 2018. Các bài viết, phóng sự về giáo dục, đào tạo nghề nhằm định hướng nhu cầu lao động của các DN, ngành nghề đào tạo để từ đó tạo sự gắn kết giữa nhà trường và DN.

Cùng với đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hỗ trợ nhà trường và DN trong hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề, tuyên truyền nghề và phát triển nghề cho lao động . Cụ thể sở đã tổ chức 6 hội thảo và ký kết đào tạo các nhóm ngành, nghề về máy tính và công nghệ thông tin; điện, điện tử, viễn thông; lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe; quản trị khách sạn, nhà hàng, du lịch; ngôn ngữ và văn hóa nước ngoài; dệt may - da giày, sơn mài - điêu khắc - gốm sứ; chế biến gỗ. Sở cũng đã tổ chức hội thảo Giải pháp cải thiện chỉ số đào tạo lao động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh Bình Dương.

Với các cơ sở đào tạo nghề, công tác truyền thông, tuyển sinh được quan tâm chú trọng nhằm từng bước thay đổi nhận thức của người dân trong lựa chọn ngành học, nghề nghiệp. Các trường cũng tích cực chuyển đổi mô hình đào tạo theo hướng chủ động nắm bắt, đón đầu xu thế và yêu cầu của thị trường lao động; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, DN có uy tín trong và ngoài nước; đồng thời nâng cao năng lực và chất lượng của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thông qua hoạt động đào tạo, tự đào tạo và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn. 

 “Bình Dương hiện đang ứng dụng bài học kinh nghiệm “Tam giác vàng”, “Ba nhà phối hợp” của hình mẫu Thành phố thông minh Hà Lan: Nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp. Để làm được điều này, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cao, để bảo đảm sự phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết nhiệm vụ đào tạo nhân lực đang được đặt lên hàng đầu. Với những thành quả đã đạt được và định hướng trong thời gian tới, công tác đào tạo nguồn nhân lực đang được triển khai tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh để bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực cho công cuộc xây dựng tỉnh nhà nói chung và thành phố thông minh Bình Dương nói riêng”.

(Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội)

 

 TH.HÀ