Hiệu quả bước đầu của Đề án điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp quản lý chất thải nguy hại
Kiểm soát CTRCN và CTNH, góp phần bảo vệ MT
Hiện nay, quản lý chất thải nguy hại (CTNH) đang là vấn đề nổi cộm và nan giải. Chính vì vậy, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá hiện trạng hệ thống quản lý chất thải rắn công nghiệp (CTRCN), CTNH và đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp được thực hiện nhằm thống kê nguồn phát sinh, thành phần và số lượng CTNH. Trên cơ sở đó dự báo lượng phát sinh đến năm 2020, đánh giá hiện trạng quản lý CTNH của các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đơn vị thu gom vận chuyển, xử lý và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan...Qua nhiều năm liên tục thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa, công nghiệp tỉnh Bình Dương đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích kinh tế - xã hội, sự tăng trưởng vượt bậc về công nghiệp một cách mạnh mẽ và nhanh chóng cũng đồng thời tạo nên những thách thức về mặt môi trường (MT), trong đó cả vấn đề quản lý CTRCN và CTNH. Với các đặc tính dễ cháy nổ, ăn mòn, gây độc dễ lây nhiễm... nếu CTNH không được thu gom, xử lý và kiểm soát chặt chẽ sẽ làm gia tăng sự tích lũy các chất độc hại như kim loại nặng, PCB (polychlorinated biphenyl), thuốc trừ sâu... Đây là những chất khó phân hủy, tồn lưu bền trong MT và gây tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng.
Hiện nay, quản lý CTNH đang là vấn đề nổi cộm và nan giải không chỉ đối với riêng Bình Dương mà còn là của cả các tỉnh, thành có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao trong khu vực Đông Nam bộ. Chính vì vậy, nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thống kê, đánh giá hiện trạng hệ thống quản lý CTRCN, CTNH và đề xuất các biện pháp quản lý phù hợp trên địa bàn tỉnh Bình Dương được thực hiện nhằm thống kê nguồn phát sinh, thành phần và số lượng CTNH, trên cơ sở đó dự báo lượng phát sinh đến năm 2020; đánh giá hiện trạng quản lý CTNH của các cơ sở sản xuất công nghiệp, các đơn vị thu gom vận chuyển, xử lý và các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan; từ đó đề xuất giải pháp quản lý CTNH trên cơ sở sử dụng các công cụ như: công cụ pháp lý, công cụ kinh tế, công cụ kỹ thuật và các công cụ hỗ trợ khác.
Theo kết quả thực hiện của đề án, hiện nay tổng khối lượng CTRCN phát sinh trên địa bàn tỉnh khoảng 885 tấn/ngày, trong đó có khoảng 100 tấn/ngày là CTNH; đồng thời cũng dự báo trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp của tỉnh đến năm 2020, lượng CTNH phát sinh sẽ vào khoảng 1.370 tấn/ngày, trong đó có các ngành sản xuất công nghiệp có khả năng phát sinh CTRCN và CTNH cao nhất là sản xuất hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuộc da, dệt nhuộm, xi mạ... Đề án đã tính toán được hệ số phát thải CTRCN, CTNH của các ngành công nghiệp đặc thù của tỉnh. Xem đó là cơ sở dự báo tải lượng phát sinh đến năm 2020, đồng thời phân tích, đánh giá các vấn đề có liên quan đến công tác quản lý CTNH, năng lực thu gom, xử lý của các đơn vị đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để làm rõ thực trạng quản lý CTNH hiện nay và nêu bật những vấn đề cấp thiết có liên quan, cũng như những nhiệm vụ ưu tiên cần thực hiện trước mắt như: cần xây dựng thêm một khu liên hợp xử lý CTRCN, CTNH cho tỉnh; xây dựng các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật về nhận dạng, phân loại, lưu giữ CTNH cho các doanh nghiệp... Trên cơ sở hiện trạng, đề án đã đề xuất các giải pháp về quản lý, kỹ thuật, tài chính, quy hoạch và các chính sách, công cụ để quản lý CTRCN và CTNH cho tỉnh. Ngoài ra, đề án cũng đã xác định trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, của các huyện, thị xã và đề xuất cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác quản lý Nhà nước về CTRCN, CTNH.
Mặc dù chỉ mới là kết quả điều tra ban đầu nhưng việc thực hiện đề án có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở và căn cứ cho việc xây dựng các công trình, kế hoạch và các chính sách liên quan đến công tác quản lý CTRCN và CTNH, nhằm bảo đảm phát triển bền vững cho tỉnh Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; đóng góp to lớn cho quá trình phát triển của khu vực và cả nước.
TIỂU LIÊN