Hiệu quả áp dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Thứ bảy, ngày 15/01/2022

(BDO) Những năm qua, huyện Bắc Tân Uyên luôn chú trọng công tác chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật (KH-KT) vào sản xuất nông nghiệp. Công tác này được xem là giải pháp thiết thực góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm thu nhập ổn định cho bà con nông dân.


Trang trại Đoàn Minh Chiến ứng dụng năng lượng mặt trời kết hợp hệ thống tưới tự động giúp giảm bớt chi phí, sức lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong ảnh: Cán bộ ấp Vườn Ươm, xã Tân Định tham quan trang trại Đoàn Minh Chiến

Hiệu quả kinh tế

Hợp tác xã (HTX) Nhân Đức (ấp Cây Dâu, xã Hiếu Liêm) là một trong những HTX điển hình về áp dụng tiến bộ KH-KT vào trồng trọt lẫn chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, mỗi năm thu về gần 50 tỷ đồng. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX chú trọng áp dụng trồng cây ăn trái có múi hữu cơ để cho ra sản phẩm chất lượng cao, trung bình đạt 25 tấn/ha, cho doanh thu 24 tỷ đồng/năm. Trên diện tích vài chục hec ta với bạt ngàn cây ăn trái có múi thường xuyên có hơn 40 lao động làm việc, nhờ áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất đã giảm thiểu tối đa sức người, sức của. Ông Trần Thành Có, Giám đốc HTX Nhân Đức chia sẻ: “HTX đã xây dựng và thiết kế kéo nối hệ thống đường dây 220kV dài 3km đến tận khu vực phục vụ sản xuất với tổng nguồn vốn đầu tư gần 5 tỷ đồng. Lắp đặt điện mặt trời để có được một hệ thống tưới tiêu hoàn toàn tự động. Điều này giúp kịp thời bảo đảm cung cấp điện, nước phục vụ tưới tiêu trong sản xuất, tiết kiệm được chi phí”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, HTX đã xây dựng hệ thống chăn nuôi theo công nghệ hiện đại gồm có 3 trại gà lạnh. Trung bình mỗi tháng sản xuất khoảng 1 triệu con gà, doanh thu 10 tỷ đồng/năm. Đối với chăn nuôi bò, HTX thực hiện các nội dung về an toàn sinh học từ việc xây dựng hệ thống chuồng trại để tránh sự xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài, chọn con giống, tiêm vắc-xin... Nhờ đó cho hiệu quả cao, doanh thu 15 tỷ đồng/năm.

Tương tự, trang trại Đoàn Minh Chiến (tại 2 xã Tân Định và Bình Mỹ) cũng đầu tư hàng tỷ đồng vào hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện 3 pha để phục vụ cho công tác tưới tiêu vườn cây ăn trái có múi theo tiêu chuẩn VietGAP. “Mùa mưa, thời tiết mát, năng lượng yếu nên phát ra hệ thống năng lượng thấp, chỉ đạt 100 - 150kWh điện. Vào mùa nắng, nhu cầu tưới tiêu cao hơn gấp 3, 4 lần, năng lượng trung bình đạt 400 - 450kWh điện, giải quyết được 30 - 40% nhu cầu sử dụng tưới tiêu cho toàn trang trại. Năng lượng mặt trời đã hỗ trợ khoảng 50 - 70% chi phí phải trả cho điện lực hàng tháng. Công nghệ tưới tiêu tự động phủ khắp các gốc cây đã cắt giảm được 2/3 chi phí cho mỗi vụ mùa mà năng suất lại cao hơn”, ông Đoàn Minh Chiến cho biết.

Việc áp dụng tiến bộ KH-KT trong sản xuất tại huyện Bắc Tân Uyên đã nâng cao năng suất sản lượng cây trồng, vật nuôi. Từ việc áp dụng KH-KT cũng hình thành được các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường. Ngoài ứng dụng KH-KT vào sản phẩm chủ lực cây ăn trái có múi, việc chuyển giao, nhân rộng giống cây trồng, vật nuôi mới trên địa bàn huyện cũng đạt kết quả đáng khích lệ. Các mô hình trồng nấm bào ngư và canh tác chuối sứ hướng hữu cơ, nuôi gà thả vườn theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi vịt trên cạn theo tiêu chuẩn VietGAP, nuôi heo rừng thịt an toàn sinh học cho hiệu quả được nông dân đánh giá cao. Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Tân Uyên, chia sẻ: “Ứng dụng tiến bộ KH-KT ѵào sản xuất được xem Ɩà giải pháp thiết thực hướng đến sự thay đổi về chất lượng đủ sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân. Những năm qua, các cấp hội luôn hỗ trợ hội viên, nông dân tiếp cận tiến bộ KH-KT, công nghệ; vận động, hướng dẫn hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các mô hình kinh tế tập thể nhằm tạo ra sự liên kết trong sản xuất, tiêu thụ”.

Nhân rộng các mô hình

Có thể nói, hiệu quả từ công tác chuyển giao tiến bộ KH-KT người được hưởng lợi đầu tiên phải kể đến là người nông dân. Ông Nguyễn Văn Cơ, xã viên HTX Đồng Thuận Phát (xã Thường Tân), chia sẻ: “Bên cạnh kinh nghiệm, thông qua các lớp tập huấn, hội thảo và tham quan thực tế tôi đã học hỏi ứng dụng những phương pháp tiến bộ đưa ra sản phẩm đạt giá trị cao. Từ khi áp dụng tiến bộ KH-KT, chất lượng sản phẩm nâng cao đã giúp thị trường và giá bán luôn ổn định. Mỗi lần địa phương triển khai thực hiện mô hình mới, tôi đều mạnh dạn thử nghiệm. Hiện tại, doanh thu từ sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ như bưởi da xanh, chuối sứ, nuôi heo rừng an toàn sinh học đã mang lại cho gia đình hàng tỷ đồng/năm”.

Trong chuyển giao KH-KT, việc chọn lọc, thực hiện thành công để tạo ra một giống cây trồng, vật nuôi mới đã khó, việc chuyển giao thành tựu đó đến với người nông dân hoặc nhân rộng còn khó khăn hơn. Do vậy, huyện Bắc Tân Uyên chỉ đạo ban, ngành chuyên môn đẩy mạnh các giải pháp, hình thức chuyển giao, giúp người nông dân tiếp nhận KH-KT dễ dàng.

Ông Huỳnh Hữu Tấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, cho biết những năm qua, trung tâm đã tích cực liên kết với các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất cây, con giống. Chủ động lựa chọn những tiến bộ kỹ thuật có khả năng nhân rộng ra sản xuất đại trà để tổ chức khảo nghiệm. Xây dựng mô hình trình diễn và chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ở các xã, thị trấn tham khảo, học tập như nhà lưới, sử dụng chế phẩm sinh học, công nghệ tưới nhỏ giọt... Tham gia vào hoạt động ứng dụng, chuyển giao KH-KT vào sản xuất có các tổ chức hội đoàn thể các cấp.

Năm 2021, diện tích ứng dụng kỹ thuật, công nghệ trong trồng trọt trên địa bàn huyện là 3.023ha, tăng 15,6% so năm 2020 (2.550ha) gồm: Cây ăn trái 3004,3ha, cây rau nhà lưới 3,2ha, hoa lan cây cảnh 13,8ha, nấm (nấm rơm, bào ngư) 1,7ha. Huyện hiện có 67 trang trại chăn nuôi, có 30 trang trại hoạt động theo mô hình trại lạnh, khép kín.

TIẾN HẠNH