Hiếu Liêm nỗ lực phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân

Thứ ba, ngày 13/07/2021

(BDO)  Là xã thuần nông, đời sống dân cư còn khó khăn, những năm qua, xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên luôn nỗ lực biến khó khăn thành động lực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

 Cây ăn trái có múi là sản phẩm chủ lực của xã Hiếu Liêm. Trong ảnh: Cán bộ Hội Nông dân xã Hiếu Liêm (trái) thăm vườn cây của gia đình anh Nguyễn Thành Nhân, ấp Cây Dừng

 Xã Hiếu Liêm có diện tích tự nhiên hơn 4.549 ha, được quy hoạch là xã nông nghiệp, có trên 80% hộ dân làm nghề chăn nuôi, trồng trọt. Trong kỹ thuật canh tác nông nghiệp, việc áp dụng khoa học kỹ thuật còn hạn chế dẫn đến hiệu quả kinh tế một số loại cây trồng chưa cao. Bên cạnh đó, địa bàn xã chủ yếu là đồi dốc, dân cư sống thưa thớt, khó thu hút đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ. Ông Mai Đức Quý, Chủ tịch UBND xã Hiếu Liêm, cho biết mặc dù còn rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với quyết tâm xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, thay đổi đời sống người dân, xã đã có nhiều giải pháp kinh tế để hoàn thành mục tiêu.

Để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, trong những năm qua UBND xãtạo điều kiện giới thiệu việc làm cho người dân vào làm việc tại các công ty, trang trại trong và ngoài địa phương. Bên cạnh đó, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, có giá trị cao. Cụ thể tập trung phát triển cây ăn trái có múi như bưởi cho thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm; quýt 700 triệu đồng/ha/năm; cam 800 triệu đồng/ ha/ năm. Đến nay trên địa bàn xã có 11 trang trại trồng cây có múi được cấp giấy chứng nhận VietGAP và 1 trang trại đạt hữu cơ. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm đều tăng, năm 2020 đạt 65,7 triệu đồng/người.

Ngoài ra, để phát huy thế mạnh địa phương, xã đã thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với định hướng phát triển du lịch và dịch vụ. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến sản phẩm an toàn sạch, sản xuất theo hướng hữu cơ. Từ đây, có nhiều hộ, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, làm giàu trên mảnh đất quê hương, góp phần xây dựng kinh tế địa phương.

Điển hình như Hợp tác xã Nhân Đức đã xây dựng hệ thống chăn nuôi theo công nghệ hiện đại (3 trại gà lạnh) và được Công ty TNHH CJ VINA ký hợp đồng dài hạn, ổn định đầu ra. Trong lĩnh vực trồng trọt, HTX đầu tư trồng 58 ha cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quýt, hiện đang cho thu hoạch 21 ha cam, đạt hơn 12 tỷ đồng/năm. Ngoài ra HTX còn hoạt động kinh doanh hiệu quả các ngành nghề khác, như xây dựng công trình đường sắt và đường bộ, thu gom rác thải…

Hiện nay, xã Hiếu Liêm có 41 trang trại trồng trọt đầu tư hệ thống tưới, phun tự động tiết kiệm nhiên liệu, nhân lực mang lại hiệu quả cao. 10 trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ trại lạnh, khép kín, có máng ăn tự động, góp phần hạn chế dịch bệnh, chất lượng chăn nuôi tăng cao. Các trang trại trồng cây ăn trái có múi trên địa bàn xã đã và đang chuyển dịch dần theo hướng VietGAP và hữu cơ.

Ông Mai Đức Quý cho biết thêm trong thời gian tới, để giữ vững các tiêu chí nông thôn mới cơ bản đã đạt được và phấn đấu xã đạt chuẩn nâng cao, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện, Đảng bộ, chính quyền, các đoàn thể sẽ tiếp tục nỗ lực trong việc tuyên truyền, huy động mọi nguồn lực thực hiện. Đồng thời, kiến nghị cấp trên phân bổ ngân sách đúng lộ trình như đã phê duyệt để xã Hiếu Liêm hoàn thành các công trình xây dựng theo tiêu chí.

 TIẾN HẠNH