Hiệp hội Xây dựng sẽ góp phần xây dựng thành phố thông minh Bình Dương
(BDO) Hôm nay (6-9) sẽ diễn ra Đại hội thành lập Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương. Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Thanh Hảo, Phó Giám đốc Sở Xây dựng.
Dự án Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đang được thi công. Ảnh: PHƯƠNG LÊ
- Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của việc thành lập Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương?
- Việc thành lập Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của hội viên đáp ứng yêu cầu về nhân lực ngành xây dựng (bao gồm ngành xây dựng, vật liệu xây dựng) trong thời kỳ hội nhập, xu thế phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bên cạnh đó, việc thành lập hiệp hội cũng đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển tỉnh nhà và ngành xây dựng nước ta nói chung. Mục tiêu của tỉnh là xây dựng một trong những Hiệp hội Xây dựng mạnh ở khu vực phía Nam.
- Phương hướng hoạt động chủ yếu của hiệp hội sau khi được thành lập là gì, thưa bà?
- Sau khi được thành lập, Hiệp hội Xây dựng tiếp tục phát triển hội viên; thành lập, tổ chức sinh hoạt các chi hội; kiện toàn các ban trực thuộc hiệp hội theo hướng tinh gọn, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiệp hội rà soát xây dựng danh sách chuyên gia của hiệp hội để thực hiện tốt công tác phản biện, giám định xã hội; xây dựng quy chế hoạt động của ban chấp hành, thường trực ban chấp hành, quy chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản theo hướng ngày càng hiệu quả, chuyên nghiệp hơn. Hiệp hội chấp hành và thực hiện tốt điều lệ hiệp hội, nghị quyết đại hội, quy chế, chương trình công tác, hoạt động đề ra.
Cùng với đó, hiệp hội sẽ triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật; tổ chức các buổi tọa đàm giao lưu, sinh hoạt chuyên đề của hiệp hội và các chi hội. Hiệp hội sẽ nghiên cứu, trao đổi và hướng dẫn các luật, nghị định, thông tư, quy định… liên quan đến quy hoạch, kiến trúc, đầu tư xây dựng, hạ tầng kỹ thuật đô thị, vật liệu xây dựng, quản lý chất lượng, an toàn xây dựng… Hiệp hội cũng tham gia các chương trình, hoạt động khởi nghiệp của tỉnh; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ xây dựng mới…
Đồng thời, hiệp hội sẽ đẩy mạnh ứng dụng BIM (một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng); tổ chức bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, phổ biến thông tin chuyên đề cho hội viên như tăng trưởng xanh, ứng phó biến đổi khí hậu, chương trình xây dựng tiết kiệm năng lượng, công trình xanh… Trong công tác tư vấn phản biện, giám định xã hội, hiệp hội sẽ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội theo quy định; nghiên cứu, góp ý phản biện một số dự án, đồ án lớn của tỉnh.
Đối với công tác thông tin, tuyên truyền, hiệp hội sẽ tổ chức thông tin tuyên truyền các hoạt động của hiệp hội. Hiệp hội cũng sẽ tích cực tổ chức các hoạt động xã hội theo khả năng của hiệp hội và động viên các hội viên, tập thể, chi hội tham gia các hoạt động xã hội… Thông qua các hoạt động, hiệp hội sẽ ghi nhận những phản ảnh, bức xúc của hội viên và sẽ có những kiến nghị, đề xuất cũng như tổ chức các hoạt động nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hiệp hội, hội viên, cộng đồng, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả.
- Việc thành lập Hiệp hội Xây dựng sẽ góp phần như thế nào cùng tỉnh xây dựng thành phố thông minh, thưa bà?
- Hiệp hội Xây dựng sẽ là cầu nối trong việc đưa các ứng dụng mới trong ngành xây dựng cho sự phát triển của tỉnh. Theo đó, hiệp hội sẽ tổ chức nghiên cứu và hội thảo các kỹ thuật ứng dụng vào việc phát triển và quản lý thành phố thông minh như BIM, GIS (hệ thống thông tin địa lý)…
Công nghệ quản lý BIM giúp cho việc quản lý hạ tầng kỹ thuật một cách nhanh nhất bằng cách hợp nhất tất cả thông tin của các ngành xây dựng, giao thông, điện… vào một đầu mối xử lý. Điều này giúp cho việc phê duyệt các đồ án quy hoạch của tỉnh không còn sai sót và đồng bộ.
Bên cạnh đó, với mô hình 7D có thể giúp cơ quan quyết định phê duyệt dự án đầu tư và cấp giấy phép xây dựng công trình rút ngắn tối đa thời gian và gần như không cần lấy ý kiến các sở, ngành liên quan. Bởi vì tất cả thông tin đã được đồng bộ, cập nhật thường xuyên và chính xác từ các cơ quan chuyên ngành, được tích hợp trên mô hình và được quản lý thống nhất theo một quy chế nghiêm ngặt.
Sở Xây dựng đã triển khai và sẽ hoàn thành, vận hành Dự án GIS trên toàn tỉnh vào cuối năm 2019 (Trung tâm GIS của trường Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh là đơn vị lập, đào tạo vận hành và chuyển giao). Cùng với đó là Trung tâm BIM của Tổng Công ty Becamex IDC đã thành lập và đang hoạt động (là thành viên của Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương) và sự gắn kết đội ngũ giáo sư của các trường đại học, các chuyên gia trong và ngoài nước trong lĩnh vực công nghệ quản lý BIM, GIS… mà hiệp hội với vai trò cầu nối, chắc chắn sẽ có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào việc phát triển và quản lý thành phố thông minh của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
- Xin cảm ơn bà!
PHƯƠNG LÊ (thực hiện)