Hiệp hội Vận tải Bình Dương: Tìm giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh
(BDO) Tuy mới thành lập nhưng với bầu nhiệt huyết, kinh nghiệm, tinh thần vượt khó, Ban Chấp hành, các thành viên Hiệp hội Vận tải tỉnh đã đoàn kết, gắn bó, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu doanh nghiệp đứng vững trong điều kiện cạnh tranh hiện nay.
Chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực
Vấn đề nổi cộm được Ban Chấp hành Hiệp hội Vận tải tỉnh tập trung tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các hội viên là tình trạng cạnh tranh khốc liệt về cước giá vận tải, sự lấn sân của các công ty công nghệ đã làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp hội viên, taxi truyền thống. Bên cạnh đó, chi phí đầu vào của ngành vận tải liên tục tăng, đặc biệt là nhiên liệu: Từ tháng 1 đến giữa tháng 6-2018 giá nhiên liệu đã tăng 6 lần, gây tác động rất lớn đến giá thành vận tải.
Trước mắt, hiệp hội đã có văn bản gửi Sở Giao thông - Vận tải kiến nghị về hoạt động của xe Grab trên địa bàn tỉnh làm ảnh hưởng đến hoạt động của hội viên kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi; xây dựng kế hoạch tập huấn cho lái xe, nhân viên phục vụ trên xe và người trực tiếp điều hành vận tải... Một thành viên Ban Chấp hành hiệp hội nêu thực tế, ngoài các yếu tố bất lợi nói trên, thị trường vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện doanh nghiệp vận tải ngoài tỉnh, chủ yếu từ TP.Hồ Chí Minh, để giành thị thường mà không theo quy định, sẵn sàng hạ giá kể cả dưới giá sàn để giành khách hàng...
Các thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Vận tải Bình Dương thăm, chúc mừng thành viên hiệp hội khai trương Hội quán vận tải. Ảnh: DUY CHÍ
Để đối phó với hình thức cạnh tranh thiếu lành mạnh nói trên, Ban Chấp hành Hiệp hội Vận tải tỉnh đã thống nhất phương án tăng cường trao đổi thông tin, quy chế phối hợp đã được ký kết giữa Sở Giao thông - Vận tải với hiệp hội; dựa trên thông tin chia sẻ hiệp hội nhanh chóng phân tích, định lượng, dự báo để các thành viên áp dụng có hiệu quả vào chiến thuật kinh doanh. Như vậy, những thất thế như nêu trên sẽ trở thành lợi thế cho các doanh nghiệp “sân nhà” nhờ bảo đảm được thời gian, bảo đảm yêu cầu ghi trong hợp đồng và tiết kiệm chi phí vận chuyển...
Bà Nguyễn Thới Hoàng Dung, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Đông Tây, chia sẻ thị trường vận tải hiện nay có sự cạnh tranh rất khốc liệt, nhưng không phải giá rẻ là đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. “Giá thành của Đông Tây có cao hơn doanh nghiệp khác từ 100.000 - 200.000 đồng/ container. Vừa rồi chúng tôi có nhờ đơn vị bạn chia sẻ đơn hàng do phương tiện của công ty chưa về kịp. Sau thương vụ đó, đơn vị bạn đã quay lại đặt vấn đề với khách hàng của chúng tôi với giá dịch vụ rẻ hơn, nhưng khách hàng đã từ chối thẳng với lý do chưa đủ niềm tin để hợp tác”, bà Dung nói.
Cạnh tranh để phát triển
Đại diện một hãng taxi là hội viên Hiệp hội Vận tải tỉnh nêu thực trạng, hiện taxi truyền thống vừa bị cạnh tranh về giá vừa bị thất thoát nhân lực nên cần có giải pháp kiềm chế, phòng ngừa... Trước bức xúc này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vận tải tỉnh, nói ông được biết tài xế Grab hiện phải nộp trên 28% doanh thu cho công ty, trong khi nhiều hãng taxi truyền thống đã chuyển sang kinh doanh thương quyền. Như vậy, ngoài việc tìm cách cắt giảm chi phí trung gian, chi phí không hợp lý, doanh nghiệp cần xem lại còn khoản nào phải cắt giảm được nữa không, chắc chắn là có vì cấu tạo giá thành của chúng ta hiện vẫn còn cao. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường công tác quản lý nhân sự kết hợp với giáo dục, đào tạo nâng cao tay nghề, trách nhiệm và đạo đức đối với khách hàng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, tiết kiệm chi phí.
Theo các chuyên gia, để tăng tính liên kết, tăng tính cạnh tranh, tạo niềm tin cho khách hàng, Hiệp hội Vận tải tỉnh và các thành viên trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác với sàn giao dịch vận tải (Việt Nam Trucking.vn) để khai thác chiều về (chiều rỗng), góp phần tiết giảm chi phí, tăng sự gắn bó và niềm tin với khách hàng.
Bà Dung chia sẻ, ai đi làm cũng muốn có thu nhập cao để lo cho gia đình, nhưng không phải vì vậy mà trả lương cao là giữ chân được người lao động. Bên cạnh yêu cầu bảo đảm ổn định việc làm, doanh nghiệp cũng phải có giải pháp giữ chân người lao động phù hợp. Với công ty của bà, người lao động được bảo đảm các quyền lợi, trong đó có bảo hiểm và các khoản tích lũy. Các khoản này đã giúp công ty đứng vững trong môi trường cạnh tranh; tay nghề, trách nhiệm của người lao động được nâng lên, khách hàng tin tưởng. Sự cạnh tranh đó giúp doanh nghiệp đứng vững hơn trước sóng gió của thị trường.
Thành lập Quỹ Hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông
Cùng với công tác tăng cường phối hợp huấn luyện, tuyên truyền về kỹ năng bảo đảm an toàn giao thông, trong thời gian tới Hiệp hội Vận tải Bình Dương sẽ vận động thành lập Quỹ Hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông nhằm kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với các nạn nhân tai nạn giao thông.
DUY CHÍ