Hiệp định Paris - Ký ức của người trong cuộc và góc nhìn quốc tế
(BDO)
Lễ ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế ở Paris (Pháp).
Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, tạo ra bước ngoặt mới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Hiệp định Paris là dấu son chói lọi trong lịch sử ngoại giao cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Năm mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Paris được ký kết, nhưng những bài học về tinh thần đoàn kết quốc tế và độc lập tự chủ vẫn còn nguyên giá trị.
Hiệp định là chiến thắng vĩ đại không chỉ của nhân dân Việt Nam mà còn của cả nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.
Với những người trực tiếp tham gia vào quá trình hòa đàm và làm nên thành công của Hiệp định Paris, những ngày tháng đàm phán, đấu trí cam go và kéo dài hiếm có trong lịch sử ngoại giao thế giới khi đó luôn hằn sâu trong ký ức.
Còn với bạn bè quốc tế yêu chuộng hòa bình, luôn kề vai sát cánh với nhân dân Việt Nam, hết lòng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc ta, Hiệp định Paris là minh chứng hùng hồn cho chân lý “lấy đại nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo.”
Hiệp định Paris khi đó là nguồn cảm hứng của cuộc đấu tranh của nhân dân yêu chuộng công lý và tiến bộ trên thế giới vì độc lập dân tộc, vì tự do, bình đẳng, bác ái, đồng thời củng cố niềm tin của các dân tộc bị áp bức.
Nguyên Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Ngoại giao, ông Phạm Ngạc vô cùng xúc động nhớ lại sự may mắn của mình khi được giao nhiệm vụ làm phiên dịch viên tiếng Anh, cũng như ghi lại biên bản các cuộc họp kín và công khai trong suốt 5 năm đàm phán từ trung tuần tháng 5/1968 cho tới khi Hiệp định được ký kết vào cuối tháng 1/1973.
Bồi hồi nhớ lại những ngày tháng đấu trí cam go và quyết liệt ấy, nhà ngoại giao Phạm Ngạc cho biết là một trong những cán bộ trẻ nhất của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có mặt trong các buổi đàm phán.
Ông cho biết căng thẳng đã nảy sinh ngay từ việc chọn địa điểm đàm phán. Phía Việt Nam muốn chọn Paris, nơi phong trào của bạn bè quốc tế ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam diễn ra rất mạnh và cũng là nơi có đông đảo kiều bào yêu nước sinh sống. Trong khi đó, phía Mỹ lại muốn chọn một địa điểm ở Đông Nam Á.
Sau gần 5 năm đàm phán với 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật, 500 cuộc họp báo, 1.000 cuộc phỏng vấn, bên cạnh hàng trăm cuộc biểu tình, tuần hành xuống đường của đông đảo bạn bè quốc tế từ châu Âu tới châu Mỹ phản đối chiến tranh, ủng hộ cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris gồm 9 chương, 23 điều về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết giữa các bên.
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình ký văn kiện Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, ngày 27/1/1973, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế ở thủ đô Paris (Pháp).
Ông George Burchett, con trai người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo người Australia, Wilfred Burchett (1911-1983) khẳng định: “Cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam cũng chính là cuộc đấu tranh bền bỉ của gia đình chúng tôi.”
Rất nhiều người Việt Nam đã biết về nhà báo Wilfred Burchett bởi ông là một người bạn lớn của nhân dân ta trong suốt 2 cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Tất cả các điểm nóng của cuộc kháng chiến, từ Điện Biên Phủ tới An toàn khu Thái Nguyên, từ Hà Nội cho tới địa đạo Củ Chi và các căn cứ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, đều có sự hiện diện của nhà báo Wilfred Burchett để đưa tin về tình hình chiến sự và cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta.
Trong không khí cận kề của những ngày Tết Quý Mão, ông George Burchett, một họa sỹ cũng rất thân quen với nhiều người Việt Nam tâm sự, sau Hiệp định Geneva, bố mẹ ông chuyển đến Hà Nội sinh sống. Ông sinh tháng 5/1955 tại Hà Nội, đúng vào ngày mà người lính Pháp cuối cùng lên tàu rời khỏi Hải Phòng vào miền Nam.
George Burchett sống tại Việt Nam tới năm 2 tuổi, sau đó ông cùng gia đình sang Liên Xô, Campuchia, Pháp, Bulgaria và trở về Australia định cư khi đã ở tuổi 30. Nhưng những câu chuyện, bài viết, phóng sự, những bức ảnh và thước phim về Việt Nam của cha ông khiến những cảm xúc về Việt Nam trong ông không dễ phai mờ.
George Burchett cho biết tháng 3/1954, lần đầu tiên cha ông, nhà báo Wilfred Burchett, gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh tại ATK Việt Bắc (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên), ngay trước đêm chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu.
Ông theo đoàn Quân Giải phóng vào tiếp quản Thủ đô tháng 10 cùng năm đó và đã chứng kiến thời khắc đặc biệt khi cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay phấp phới trên đường phố Hà Nội.
Tuy rời Việt Nam vào năm 1956, nhưng sau đó nhà báo Wilfred Burchett nhiều lần đã trở lại Việt Nam để viết về cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam. Ông là nhà báo phương Tây đầu tiên đi thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam trong những năm 1963-1964.
Suốt cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Wilfred Burchett có tới gần 30 năm gắn bó sâu sắc với Việt Nam. Ông đã viết 8 cuốn sách, hàng trăm bài báo và chụp hàng nghìn bức ảnh về Việt Nam.
Các bài báo của ông được in ở nhiều tờ báo lớn trên thế giới, phản ánh chân thực và khách quan cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, góp phần đáng kể vào phong trào phản chiến.
“Hiệp định Hòa bình Paris là đỉnh cao của cuộc đấu tranh chính nghĩa, bền bỉ và anh dũng của nhân dân Việt Nam. 50 năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ngày nay Việt Nam là một nước Xã hội chủ nghĩa với trình độ dân trí cao, hệ thống y tế hiệu quả, bình đẳng xã hội được đảm bảo, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc…” - ông George Burchett bày tỏ.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, họa sỹ George Burchett luôn coi Việt Nam như quê hương mình và cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào khi được tham gia đóng góp vào quá trình phát triển năng động của nền văn hóa Việt Nam bằng việc lưu giữ những ký ức lịch sử thông qua các tác phẩm nghệ thuật của ông. Hiện ông George Burchett sinh sống tại Việt Nam.
“Việt Nam có tốc độ phát triển rất nhanh và ổn định. Bên cạnh phát triển kinh tế, Việt Nam luôn nỗ lực bảo tồn nền văn hóa giàu bản sắc, có sự hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại” - ông nhấn mạnh và bày tỏ tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của đất nước Việt Nam.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, nhà báo Mỹ Amiad Horowitz, thành viên Đảng Cộng sản Mỹ (CPUSA) đánh giá cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong đàm phán Hiệp định Paris, khi khẳng định: “Với vai trò dẫn dắt, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên cường trong suốt những năm tháng kháng chiến chống lại một đội quân mạnh nhất thế giới.”
Dù sinh ra sau năm 1975, nhưng nhà báo Amiad Horowitz bày tỏ luôn nhận thức được tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra đối với người dân Việt Nam trong một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Ông nhấn mạnh: “Mỹ đã ra sức dùng sức mạnh quân sự và kinh tế để đàn áp nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã giành chiến thắng trước quân đội Mỹ và thống nhất đất nước.”
Đề cập tới ý nghĩa của Hiệp định Paris, phóng viên Amiad Horowitz, làm việc tại báo “Nhân dân Thế giới,” khẳng định sau nửa thế kỷ, mỗi khi nói đến Hiệp định Paris là chúng ta lại nhớ đến những thắng lợi to lớn của cuộc đấu tranh về chính trị, quân sự, ngoại giao của Việt Nam, cũng như là thắng lợi của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam.
Cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của nhân dân Việt Nam được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi to lớn chưa từng có của thế giới, đã buộc chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán và ký kết Hiệp định Paris.
Có thể khẳng định, thắng lợi trong Hiệp định Paris nói riêng cũng như chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ nói chung của nhân dân Việt Nam là chiến thắng của “lương tri,” của niềm tin vào chính nghĩa, đồng thời cũng là một chiến thắng vĩ đại của phong trào giải phóng dân tộc của lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới./.
Theo TTXVN