Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực: Cơ hội cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Thứ sáu, ngày 21/01/2022

(BDO)  Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được trông đợi mở ra một thị trường rộng lớn, tạo thuận lợi cho giao thương, mở rộng hợp tác, sản xuất, xuất khẩu và hình thành chuỗi cung ứng mới.

 Tham gia vào các FTA, doanh nghiệp Việt Nam có thêm cơ hội để mở rộng sản xuất, xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Kolon Việt Nam (TX.Tân Uyên)

Thêm cơ hội phát triển

Sau 8 năm đàm phán, cuối cùng RCEP cũng được ký kết, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp (DN). RCEP có 15 nước tham gia, gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia đối tác của ASEAN là: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, New Zealand, Australia. GDP của khu vực RCEP khoảng 26,2 ngàn tỷ đô la Mỹ, chiếm 30% GDP toàn cầu và trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Từ ngày 1-1-2022, RCEP chính thức có hiệu lực, đây là thị trường rộng lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới. RCEP được kỳ vọng sẽ tạo thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài trong khối. Các DN Việt Nam đã chuẩn bị sẵn sàng để mở rộng xuất khẩu.

Theo lộ trình cam kết, các nước tham gia hiệp định sẽ xóa bỏ từ 30 - 100% số dòng thuế cho hàng hóa ngay khi RCEP có hiệu lực. Trong đó, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam cho các nước trong ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand là 89,6%; Nhật Bản, Hàn Quốc là 86,7% và Trung Quốc là 85,6%. Bên cạnh đó, hiệp định có hiệu lực cũng sẽ giảm bớt hàng rào phi thuế quan thương mại giữa các nước thành viên như giảm thủ tục hải quan, kiểm dịch hàng hóa, cắt giảm bớt các hàng rào về tiêu chuẩn kỹ thuật. Bên cạnh đó, RCEP sẽ đem lại những lợi thế khác cho DN như cắt giảm chi phí, thời gian trong xuất khẩu hàng hóa sang các quốc gia đã ký kết thỏa thuận và DN không phải thực hiện những yêu cầu riêng biệt của từng nước.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong ngắn hạn, RCEP khó tạo ra cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam vì các nước trong khối hầu hết có ký kết FTA với nước ta và các dòng thuế giảm sâu hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam trở thành một mắt xích của chuỗi cung ứng đó nên xuất khẩu sẽ tăng lên. Khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại…

Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, đánh giá: “RCEP có hiệu lực sẽ tạo thêm cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Đồng thời, các DN dệt may Việt Nam cũng có thể nhập khẩu nguồn nguyên liệu với giá ưu đãi phục vụ cho sản xuất, xuất khẩu vào những thị trường ngoài khối tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, điều khó khăn hiện nay là các DN ngành dệt may đang rất thiếu lao động, sự bị động về nguồn nhân lực làm giảm đi tính cạnh tranh”.

Đòi hỏi nỗ lực cao

Ông Châu Việt Bắc, Phó Tổng thư ký Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng RCEP tạo ra một thị trường chung lớn, thông thoáng nhưng cũng đặt ra nhiều quy tắc chặt chẽ, đòi hỏi DN phải nỗ lực khi tham gia. DN chỉ cần tập trung tìm hiểu kỹ các điều khoản sẽ có nhiều cơ hội mở rộng giao thương và tham gia sâu hơn vào các chuỗi cung ứng trong khối.

Trong khi đó, ông An Kyu Kang, Giám đốc Công ty Kolon Việt Nam (TX.Tân Uyên) cho biết các FTA được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cũng như thách thức cho DN. Việt Nam có lợi thế tham gia cả 3 FTA lớn nhất thế giới, là: CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu) và RCEP. Tham gia sâu vào hội nhập sẽ giúp DN mở rộng sản xuất, xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh. Các DN ở Bình Dương đã xuất khẩu được hàng hóa vào những thị trường đòi hỏi cao về chất lượng, như: Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản nên việc tham gia mở rộng xuất khẩu vào thị trường RCEP sẽ không gặp nhiều trở ngại.

Tuy vậy, cũng rất nhiều DN Việt cho rằng khi RCEP có hiệu lực, hàng hóa cùng loại của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt. Tại thị trường nội địa, DN Việt phải nỗ lực lớn trong việc giữ thị phần tại sân nhà. Thế nhưng, sân chơi RCEP đã mở ra, DN buộc phải tham gia và cần có kế hoạch phù hợp để vượt qua những khó khăn, khai thác những lợi thế để phát triển bền vững. Lãnh đạo Sở Công thương nhận định khi RCEP chính thức có hiệu lực sẽ mở thêm cơ hội cho DN đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Với hiệp định này, Bình Dương tiếp tục có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.

 Theo ông Zeng Xia, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Phiên Nhiên (Cụm công nghiệp Phú Chánh, TX.Tân Uyên), mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng, nhưng năm 2021, công ty vẫn nỗ lực đầu tư mở rộng nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện Việt Nam đã ký kết nhiều FTA, các DN muốn mở rộng xuất khẩu và hưởng các ưu đãi về thuế quan phải đáp ứng được quy định về xuất xứ hàng hóa và tỷ lệ nội địa hóa. Vì vậy, công ty mở thêm nhà máy sản xuất, tăng công suất sẽ dễ dàng mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu.

 TIỂU MY