Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP): Cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam

Thứ sáu, ngày 12/07/2013

  TPP sẽ giúp DN dệt may VN đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng quy mô sản xuất. Trong ảnh: Sản xuất dệt may tại Công ty Beautex Vina (KCN Sóng Thần)

 Cơ hội từ TPP

Một trong những lợi ích lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam khi tham gia hiệp định TPP là hàng rào thuế quan được xóa bỏ hoàn toàn, thuế suất xuất nhập khẩu nội khối các nước tham gia TPP sẽ trở về bằng 0. Hiện nay dệt may đã trở thành một ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam. Năm 2011, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt trên 18 tỷ USD, Việt Nam đang là 1 trong 5 quốc gia xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Thị trường Hoa Kỳ hiện đang chiếm 50%, EU chiếm 16%, Nhật Bản 12%, Hàn Quốc 6%, các thị trường còn lại chiếm 16% giá trị kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định, trong khi hàng dệt may của Việt Nam xuất sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tới 50% nhưng thuế suất nhập khẩu vào thị trường này khá cao, từ 12 - 32%, bình quân là 17,5%. Nếu TPP được ký kết, thuế suất sẽ trở về mức 0%. Đây là một tiền đề rất quan trọng để ngành dệt may Việt Nam mở rộng xuất khẩu hơn nữa vào các thị trường châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ.

Tổng quan về TPP

Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) do nguyên thủ 3 quốc gia Chi Lê, New Zealand và Singapore bắt đầu đàm phán nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC 2002. Tháng 4-2005, Brunei xin đàm phán với tư cách thành viên sáng lập. Thỏa thuận hình thành ban đầu giữa các quốc gia này được ký vào năm 2005 và có hiệu lực từ năm 2006. Năm 2008, Hoa Kỳ, Úc, Peru tuyên bố đàm phán. Năm 2010, Malaysia, Việt Nam tuyên bố đàm phán. Năm 2012, Canada, Mexico tham gia đàm phán. Năm 2013, Nhật Bản tuyến bố đàm phán. Đến nay, TPP đã hội tụ 12 quốc gia thành viên tham gia đàm phán. 6 nội dung chính trong TPP được các quốc gia thành viên thống nhất đàm phán, đó là quyền sở hữu trí tuệ, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, viễn thông và thương mại điện tử, dịch vụ, đầu tư. Điểm nổi bật nhất của TPP là tự do mạnh mẽ về thương mại, thuế suất nhập khẩu được bãi bỏ hoàn toàn và phần lớn xóa bỏ ngay khi TPP có hiệu lực.

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương cho rằng, với thị trường lớn nhất thế giới của dệt may Việt Nam là Hoa Kỳ, hiện chỉ có những đối tác chiến lược của Hoa Kỳ mới được hưởng mức thuế suất 0%. Khi được hưởng mức thuế suất này, các DN dệt may sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng quy mô sản xuất. Vì thế, khi TPP được ký kết, sẽ tạo ra trước hết là một làn sóng đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư vào lĩnh vực dệt may nói riêng vào Việt Nam. Kế đó, các DN dệt may ở Việt Nam cũng có điều kiện rất lớn để cạnh tranh với các DN dệt may của những nước không nằm trong khối TPP khi tham gia xuất khẩu vào thị trường nội khối, nhất là thị trường Hoa Kỳ bởi được hưởng mức thuế suất bằng 0. Cũng theo ông Phoa, khi tham gia TPP, ngành công nghiệp phụ trợ dệt may của Việt Nam lâu nay vốn đang rất trì trệ, sẽ có cơ hội tốt để phát triển, bởi khi đó các nhà đầu tư nước ngoài tự nhiên sẽ đầu tư sản xuất để phục vụ cho các DN dệt may ở Việt Nam. Theo quy tắc “Yarn Foward” trong TPP, hàng hóa xuất khẩu phải bảo đảm nguồn nguyên phụ liệu xuất xứ từ nội khối. Do đó, việc tham gia vào hiệp định này, tự nhiên ngành công nghiệp phụ trợ dệt may của Việt Nam cũng sẽ phát triển theo.

Thách thức cũng không nhỏ

Tuy cơ hội mở ra nhưng theo ông Lê Hồng Phoa, khi tham gia vào TPP, ngành dệt may cũng phải đón nhận những thách thức mới. Hiện tại, hạ tầng cơ sở cho công nghiệp phụ trợ ngành dệt may chưa đáp ứng được yêu cầu. Thách thức kế tiếp là vấn đề bảo vệ môi trường khi ngành công nghiệp phụ trợ dệt may như công nghiệp dệt, nhuộm được đầu tư mở rộng để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa nội khối. Thêm vào đó, một quan ngại lớn của ngành dệt may là nguồn lao động. Do đặc thù sử dụng nhiều lao động nên khi ngành dệt may có cơ hội mở rộng sản xuất cũng có nghĩa là nỗi lo về nguồn lao động sẽ xuất hiện, đặc biệt là trong tình hình lao động dệt may luôn biến động trong thời gian qua. “Hiện nay, chưa tham gia TPP, chưa mở rộng đầu tư, nguồn lao động đã thiếu hụt, khi mở rộng sản xuất, chắc chắn nguồn lao động sẽ thiếu hụt trầm trọng. Điều này sẽ dẫn đến các hệ lụy tranh giành lao động giữa các DN với nhau, rồi chi phí nhân công cũng sẽ bị đẩy lên cao hơn…”, ông Phoa nhận định.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam: Cần có đối sách tức thời

TPP hiện đã đến rất gần. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam phải có ngay những đối sách để ứng xử kịp thời trong tình hình mới nhằm đón nhận cả những thách thức và cơ hội. Chính phủ cần xem xét và cập nhật định hướng chiến lược đã có trước đây, xây dựng chính sách mới cho ngành dệt may. Một vấn đề vĩ mô nữa phải quan tâm, đó là quy hoạch các KCN chuyên biệt cho ngành dệt may, đặc biệt là dệt nhuộm; đồng thời kêu gọi đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may. Hiệp hội dệt may cũng khuyến nghị, các địa phương cần hướng dẫn DN có ý định đầu tư vào công nghiệp dệt may tuân thủ theo quy hoạch của Chính phủ và tích cực hỗ trợ DN phát triển vì lợi ích chung của nền kinh tế. Về phía các DN, cần quan tâm chú trọng dệt nhuộm trong nước; liên kết chuỗi cung ứng đến thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ; cải tiến, nâng cao giá trị gia tăng.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, để được tham gia vào TPP và hưởng ưu đãi về thuế suất, dệt may Việt Nam phải thỏa mãn được nguyên tắc xuất xứ hàng hóa “Yarn Foward”. Nguyên tắc này một mặt tạo ra cú hích cho công nghiệp phụ trợ nhưng một mặt cũng đặt ngành xuất khẩu dệt may vào thế khó khi mà hiện nay nguồn nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam vẫn đang phải nhập khẩu trên 90%, đa phần những nguồn nguyên phụ liệu này lại không được nhập từ các quốc gia đang tham gia TPP. Tuy vậy, TPP cũng đang đề nghị một giải pháp tạm thời cho nguyên tắc này trong thời hạn 3 năm, cho phép ngành dệt may Việt Nam được sử dụng nguồn nguyên, phụ liệu đang nhập từ các nước ngoài khối TPP và được hưởng ưu đãi thuế suất ngay khi TPP có hiệu lực. Sau 3 năm đầu, nguyên tắc “Yarn Foward” sẽ hoàn toàn được áp dụng.

 THÀNH SƠN