Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội song hành cùng thách thức!
Nhu cầu thông tin
Giám đốc Công ty Sản xuất xe đạp Asama (KCN Sóng Thần II - Dĩ An) Châu Vĩ Chí bày tỏ tâm tư: “Hiệp định TPP có ý nghĩa rất quan trọng đối với nền kinh tế nói chung, trong đó các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu là người được hưởng lợi trực tiếp nhờ được ưu đãi thị trường, liên doanh liên kết, miễn giảm thuế quan nhằm nâng cao năng lực và sức cạnh tranh. Các doanh nghiệp sản xuất - xuất khẩu cũng như Asama đang trông chờ kết quả của hiệp định này, nhưng không phải chờ đến khi mọi sự đã hoàn thành để vui mừng phấn khởi”. Da giày, một trong những ngành có nhiều cơ hội khi TPP được ký kết. Trong ảnh: Sản xuất giày xuất khẩu tại Tập đoàn TBS
Theo ông Chí, kết quả sản xuất - kinh doanh được tạo ra bởi 2 yếu tố quan trọng đó là kế hoạch thị trường phù hợp và tổ chức thực hiện đúng tiến độ. Để có một kế hoạch thị trường phù hợp, doanh nghiệp phải có một chiến lược đầu tư, phát triển cả trong ngắn và dài hạn để có thể tiến nhanh hoặc lách tránh, cố thủ khi xảy ra sự cố. Chiến lược này được hình thành bởi nhiều yếu tố nhưng không thể thiếu các thông tin về thị trường, văn hóa tiêu dùng, chính sách, sự ổn định chính trị và mối bang giao giữa các nước tham gia thị trường.
“Nhà sản xuất trong nước theo dõi, nắm bắt thông tin kết quả đàm phán, ký kết hiệp định để xây dựng chiến lược, điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp nhằm phát huy lợi thế mà hiệp định mang lại. Còn khách hàng, chủ yếu là khách hàng Mỹ cũng ngóng chờ hiệp định được ký kết để được nhập hàng giá rẻ, được tham gia trọn khâu từ nguyên liệu đến thành phẩm… nên phần lớn chỉ đến tìm hiểu, thăm dò chứ chưa mạnh dạn ký kết”, ông Chí chia sẻ.
Để cộng đồng xã hội nói chung và các nhà sản xuất - xuất nhập khẩu nói riêng cùng được thụ hưởng từ lợi ích của hiệp định thì những vấn đề liên quan đến tiến trình đạt được thỏa thuận cần được cập nhật, phổ biến, phân tích tại một đầu mối. Để từ đó doanh nghiệp tiếp thu và hoạch định cho riêng mình một kế hoạch, chiến lược tiếp cận mà không bị hụt hẫng, tiếc nuối do thiếu thông tin dẫn đến chủ quan, bỏ qua cơ hội. “Thấy được cơ hội là một lợi thế, nhưng lấy cái gì để nắm bắt cơ hội mới là yếu tố quyết định. Không chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp mà bất cứ ai khi thấy được cơ hội phía trước mà không có gì trong tay để nắm bắt thì sẽ rất hối tiếc nếu không muốn nói là xót xa”, ông Chí tâm sự.
Xây dựng chiến lược
Là chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực sợi - dệt - may mặc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Far Eastern Apparrel Việt Nam Peter Chan (KCN VSIP I - TX.Thuận An) phân tích: “Việt Nam đứng thứ ba thế giới về khả năng cung ứng hàng may mặc nhưng lại yếu thế về phương pháp kỹ thuật, dệt sợi. Trong khi Việt Nam lại là nước nông nghiệp với nguồn lực lao động rất cao, kỹ năng lao động, kỹ thuật, tay nghề, chính sách đào tạo nghề cũng được quan tâm khá tốt. Ngành dệt - sợi - may mặc là ngành hấp dẫn để phát triển kinh tế và hội nhập thế giới.
Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc) kể cả Mỹ đều bắt đầu sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước từ nghề này. Ngành dệt may của Việt Nam hiện nay cũng giống như Đài Loan 40 năm về trước, nhưng có lợi thế là khả năng thu hút đầu tư nước ngoài để chuyển đổi nhanh công nghệ sản xuất. Ngành dệt may là ngành có khả năng gây ô nhiễm cao nên cần có sự quy hoạch riêng biệt để dễ dàng quản lý, xử lý ô nhiễm theo đúng quy định của Nhà nước. Trong giai đoạn đầu Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đầu tư dành cho các doanh nghiệp trong nước để nâng cao năng lực tự chủ, giúp doanh nghiệp trong nước tiếp cận sâu hơn với công nghệ, với thị trường và có khả năng tương ứng với doanh nghiệp FDI nhằm đón nhận cơ hội từ Hiệp định TPP”.
Ngoài việc tự hoàn thiện, tự chuẩn bị điều kiện chiến lược để đón đầu và nắm bắt cơ hội thì yêu cầu thông tin về tiến độ hội nhập, kết quả đàm phán đóng vai tròrất quan trọng trong hoạch định chiến lược. Giám đốc Công ty Sản xuất xe đạp Asama (KCN Sóng Thần II - Dĩ An) Châu Vĩ Chí nhấn mạnh: “Tiến trình đàm phán là rất quan trọng, có cái được phép thông tin, có cái phải rất tế nhị. Để giúp doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, xây dựng chiến lược, tận dụng và khai thác tốt các lợi thế của kết quả đàm phán thì cần có một đầu mối thông tin chính thống để từ đó doanh nghiệp xây dựng chiến lược phù hợp với điều kiện, năng lực của mình. Hiện tại doanh nghiệp chỉ lắng nghe thông tin qua báo, đài chứ chưa có cơ quan nào chính thức phổ biến, nhất là những thỏa thuận đã được thống nhất cũng như những vấn đề còn tiếp tục trao đổi, bàn bạc… Đó chính là các điều kiện cần thiết, giúp doanh nghiệp khả năng nắm bắt cơ hội nhanh và có điều kiện hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới”.
DUY CHÍ