Hiện thực hóa chủ trương đầu tàu kinh tế dựa vào nền tảng số

Thứ sáu, ngày 08/11/2024

(BDO)  Ngày 4-11, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1325/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Vùng Đông Nam bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quyết định số 1325/QĐ-TTg). Theo đó, Vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển mạnh một sốngành công nghiệp: Cơ khí chế tạo, hóa dầu, sản phẩm hạ nguồn của ngành công nghiệp hóa dầu, chế biến sản phẩm từ dầu, hóa chất. Trong đó, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao như điện tử - viễn thông; công nghiệp sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, công nghiệp sản xuất phần mềm, sản phẩm số; công nghiệp an toàn thông tin, công nghiệp hóa phẩm, dược phẩm, chế phẩm sinh học, sản xuất thuốc, vắc-xin, vật liệu mới...

Cùng với đó, Vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển các khu công nghiệp (KCN) - dịch vụ - đô thị hiện đại và các KCN công nghệ cao; xây dựng mới một số khu công nghệ thông tin tập trung tại TP.Hồ Chí Minh và hình thành vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu. Vùng Đông Nam bộ sẽ phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu quốc tế, các trục hành lang kinh tế trọng điểm và tuyến thương mại liên vùng tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), Tây Ninh.

Đối với tỉnh Bình Dương, việc thực hiện Quyết định số 1325/QĐ-TTg có những thuận lợi khi tỉnh đang thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bình Dương ưu tiên phát triển các KCN dịch vụ, đô thị hiện đại và các KCN công nghệ cao; phát triển công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường; phát triển dịch vụ có chất lượng và có giá trị gia tăng cao trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, viễn thông, khoa học công nghệ.

Cùng với đó, Bình Dương quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là các dự án giao thông kết nối, các dự án hạ tầng xã hội, hạ tầng khu công nghệ cao, KCN. Bình Dương cũng đẩy nhanh chuyển đổi chức năng các KCN không phù hợp với quy hoạch; xây dựng nhà ở xã hội để bảo đảm điều kiện sống cho người lao động có thu nhập thấp và lao động trong các KCN… Tất cả là nền tảng để Bình Dương hiện thực hóa chủ trương trở thành đầu tàu kinh tế dựa vào nền tảng số.

KHẢI ANH