Hiểm họa từ việc nuôi chó thả rông
(BDO) Thời gian qua, người dân đã chứng kiến một số vụ bị thương tích, chết thương tâm do chó dại thả rông cắn. Vụ việc đã dấy lên “hồi chuông” cảnh báo người dân, nhất là những gia đình nuôi chó cần phải tiêm phòng đầy đủ các loại bệnh, đặc biệt là quản lý chó không được thả rông ra đường.
Chó thả rông trên đường không rọ mõm là nỗi ám ảnh của mọi người. Ảnh: CHÍ THANH
Nỗi ám ảnh từ chó thả rông
Hiện nay, tại các ngõ ngách, công viên, không khó để bắt gặp hình ảnh những con chó hung dữ không biết đã được tiêm phòng dại hay chưa hàng ngày vẫn được thả rông không rọ mõm chạy ngoài đường, trên vỉa hè. Tình trạng này rất nguy hiểm vì ngoài việc tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh, chó còn gây tai nạn, gây thương tích cho người đi đường. Đặc biệt, chó thả rông còn gây mất vệ sinh môi trường do phóng uế bừa bãi, không chỉ trên lề đường, vỉa hè, vệ cỏ mà cả ở những nơi công cộng.
Đã có không ít lần chúng tôi phải thót tim khi chứng kiến trẻ con đang dạo chơi trong công viên, con hẻm bất ngờ bị một con chó xông ra khiến em bé hoảng loạn. Và có rất nhiều tình huống nguy hiểm khác có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào khi vẫn còn những người nuôi chó vô ý thức, thả rông chó và không cho chó đeo rọ mõm.
Trước thực trạng đó, người dân xung quanh đã phản ánh, nhắc nhở nhiều lần nhưng chủ của những chú chó nuôi vẫn phớt lờ và “mặc định” cho chó đi lang thang chứ không nhốt, xích, hay rọ mõm. Anh Trần Văn Hùng, người dân phường Chánh Nghĩa (TP.Thủ Dầu Một) bức xúc nói, khu vực anh ở có một số người nuôi chó. Mỗi lần về nhà hay từ nhà đi làm, chó sủa và thậm chí đuổi theo cắn người đi đường. Mỗi sáng thức dậy, phía trước nhà, hay trên đường chó phóng uế trông rất mất vệ sinh. Người dân có phàn nàn nhưng chủ của các chú chó kia chỉ nghe rồi để đó chứ không có biện pháp xích lại, hay nhốt trong lồng.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, thời gian gần đây, số người đến trung tâm tiêm phòng ngày một tăng. Riêng năm 2018, toàn tỉnh có trên 15.000 lượt người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng, trong đó nhiều người vừa phải tiêm vắc-xin, vừa phải tiêm huyết thanh kháng dại.
Siết chặt quản lý
Trước mong muốn, kiến nghị của người dân trong việc quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 18/CT-UBND về việc “Tăng cường các biện pháp quản lý chó nuôi trên địa bàn tỉnh Bình Dương” (Chỉ thị số 18).
Theo Chỉ thị số 18, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố chỉ đạo rà soát, thống kê, lập sổ theo dõi hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ gia đình nhằm hỗ trợ công tác tiêm phòng vắc-xin bệnh dại trên đàn chó; tăng cường áp dụng biện pháp chế tài các trường hợp nuôi chó thả rông, để chó nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác… Trường hợp hộ nuôi chó không chấp hành lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm chẩn đoán bệnh; không tiêm phòng vắc-xin bệnh dại; không đeo rọ mõm cho chó, hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng thì xử phạt theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y.
“Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm. Người mắc bệnh dại do bị lây truyền vi-rút dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo). Người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. Ca mắc bệnh dại dẫn đến tử vong ngắn nhất là 14 ngày, dài nhất từ 1 đến 2 năm. Trên thế giới chưa có thuốc điều trị đặc biệt”. (Bác sĩ chuyên khoa 1 Quách Hoàng Mỹ, phụ trách Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) |
Ngoài ra các sở, ngành, cơ quan báo chí trong tỉnh phải góp sức tuyên truyền sâu rộng tác hại của việc thả rông chó nuôi gây ra cho cộng đồng và môi trường. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiệm vụ hướng dẫn cụ thể các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện để thuận lợi trong việc rà soát, thống kê đàn chó nuôi định kỳ hàng năm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong quá trình nuôi chó theo quy định hiện hành.
Thực hiện chỉ thị của UBND tỉnh, ông Phạm Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết sở đã giao Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản triển khai xuống các địa phương, các xã. Địa phương sẽ kết hợp với ngành thú y tích cực tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Chỉ thị số 18 và các biện pháp chế tài nếu không thực hiện. Địa phương có trách nhiệm nhắc nhở, có biện pháp chế tài người dân không thực hiện theo quy định, chỉ thị.
Có thể thấy, mặc dù đã có văn bản quy định và chỉ thị của UBND nhưng trên thực tế, việc thả chó ra đường không đeo rọ mõm vẫn diễn ra khắp nơi. Do đó, để bảo đảm an toàn cho người dân, cũng như tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, các cơ quan chức năng cần thực hiện biện pháp mạnh tay để những người nuôi chó hiểu rằng, nuôi chó thả rông hay không đeo rọ mõm khi ra đường, không tiêm phòng vắc-xin bệnh dại chính là hành vi gây nguy hiểm cho cộng đồng.
THIÊN LÝ