Hiểm họa từ thu mua phế liệu
Nguy cơ tiềm ẩn
Hầu hết các điểm thu mua phế liệu mọc lên tự phát, không tuân thủ các quy định về kinh doanh, môi trường, phòng chống cháy nổ. Hiện nay, nhiều cơ sở không có một loại giấy tờ nào để chứng minh được cấp phép kinh doanh, nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Ở các cơ sở thu mua, khung cảnh những đống phế liệu với các loại giấy, nylon, sắt, thép, nhựa, tủ lạnh, tivi, máy giặt, quạt điện… đã hư hỏng nằm chồng lên nhau trông rất nhếch nhác. Phế liệu không những được chứa trong nhà mà còn tràn ra ngoài lề đường. Một người dân sống gần cơ sở thu mua phế liệu ở ấp 2, xã Thới Hòa, Bến Cát cho biết: “Mỗi khi trời mưa, phế liệu bốc mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của những hộ xung quanh. Còn trời nắng chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ làm bụi bẩn bay khắp nơi. Trẻ em ở khu vực xung quanh hay bị viêm đường hô hấp do thường xuyên hít thở không khí bị ô nhiễm”. Những đống phế liệu nhếch nhác tại một điểm thu mua phế liệu nằm lấn ra lòng đường, làm mất mỹ quan đô thị
Các điểm thu gom phế liệu nằm lẩn trong khu dân cư, nên nguy cơ cháy nổ rất dễ xảy ra, vì những loại phế liệu như các loại giấy, nhựa… đều là những vật dễ bắt cháy, nhưng các cơ sở không có bình chữa cháy dự phòng. Môi trường xung quanh những nơi này ẩm thấp, chứa các loại vật dụng đã sử dụng với nhiều mùi khác nhau, vì thế đây là nơi tập trung các loại côn trùng gây bệnh như ruồi, muỗi, gián… nhưng tại đây không có biện pháp nào để phòng tránh, tiêu diệt. Chị Hương ở xã Lai Uyên (Bến Cát) bức xúc: “Sau những cơn mưa các loại giấy bị ướt, bịch nylon được chủ đưa ra lòng lề đường phơi làm ảnh hưởng đến người đi đường và mất cảnh quan đô thị”.
Cần có biện pháp chế tài
Thực tế, các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn tỉnh đều không có hoặc chưa tuân thủ những quy định hoạt động kinh doanh, như: không có giấy phép, đề án bảo vệ môi trường, phương tiện phòng cháy, chữa cháy, ngăn ngừa bệnh dịch… nên để xử lý triệt để những hành vi này, các ngành chức năng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Phan Thạch Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hòa (Bến Cát) cho biết: “Hiện trên địa bàn xã có 21 cơ sở thu mua phế liệu nhưng đại đa số các cơ sở đó không có giấy phép kinh doanh, xã cũng đã báo cáo số liệu và kiến nghị tình hình này lên huyện. Vừa qua sau khi khảo sát lần 2, xã cũng đã kiến nghị lên Sở Tài nguyên - Môi trường cùng hỗ trợ công tác kiểm tra về môi trường tại các cơ sở và cũng đã yêu cầu cơ sở cam kết di dời, nhưng hiện tại vẫn chưa thấy các hộ dân ngừng thu mua”.
Các cơ sở kinh doanh phế liệu thu gom một lượng lớn rác sinh hoạt trong dân là điều cần thiết, góp phần phân loại rác hữu cơ và vô cơ. Bên cạnh đó còn tạo công ăn việc làm cho một bộ phận lao động nghèo trên địa bàn. Tuy nhiên, để giữ vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người dân, các cơ sở cần di dời ra khỏi khu dân cư. Vì thế các ngành chức năng và chính quyền địa phương cần có biện pháp mạnh để các cơ sở chưa có đầy đủ giấy phép, công cụ phòng cháy, chữa cháy… ngừng hoạt động; thường xuyên kiểm tra các cơ sở có giấy phép, nhắc nhở họ hoạt động nghiêm túc để không làm ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị. Về phía cơ sở nên trang bị đầy đủ các loại dụng cụ bảo hộ như bình chữa cháy, xịt muỗi, thường xuyên dọn dẹp vệ sinh để bảo vệ môi trường sống “xanh, sạch, đẹp”.
PHẠM HIỀN