Hệ thống ngân hàng: Nỗ lực phòng dịch, bảo đảm hoạt động thông suốt
(BDO) Bình Dương hiện có trên 70 tổ chức tín dụng đang hoạt động, với 180 phòng giao dịch và 761 máy ATM. Giao dịch tiền mặt và một số dịch vụ ngân hàng liên quan trực tiếp đến nhiều người, nhiều ngành nghề. Vì vậy, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều biện pháp để vừa phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì tốt các hoạt động ngân hàng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay.
Cán bộ, nhân viên và khách hàng đều mang khẩu trang khi thực hiện giao dịch tại BIDV - Chi nhánh Bình Dương
Chủ động phòng chống dịch bệnh
Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương có lượng khách hàng giao dịch lớn và thường xuyên. Trước tình hình đó, từ đầu mùa dịch, lãnh đạo BIDV Bình Dương đã chủ động có nhiều giải pháp kịp thời, quyết liệt và quyết tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho cán bộ, nhân viên và khách hàng. Ngay khi bước vào cổng trụ sở, tất cả cán bộ, nhân viên và khách hàng đều được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn. Đồng thời trong quá trình làm việc, giao dịch, 100% cán bộ, nhân viên, khách hàng đều phải đeo khẩu trang. Ngoài ra, tại tất cả các bàn giao dịch đều được bố trí dung dịch rửa tay khô để cán bộ, nhân viên và khách hàng rửa tay thường xuyên, nhất là trước và sau khi giao nhận tiền mặt, viết và ký các loại giấy tờ…
Tại Ngân hàng Vietcombank Bình Dương (VCB), để bảo đảm an toàn, mọi nhân viên cũng như khách hàng đến giao dịch đều được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang. Ngoài ra, định kỳ hàng tuần, toàn bộ đồ dùng, thiết bị làm việc đều được phun thuốc khử trùng, vệ sinh sạch sẽ. Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc VCB Bình Dương, ngay cả trong giai đoạn dịch bệnh tạm lắng xuống VCB vẫn duy trì việc sát khuẩn, chủ động phòng chống dịch bệnh. Theo sự chỉ đạo của các cấp, ngành và thực tế, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên nâng cao nhận thức và xem trọng việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Bên cạnh việc hướng dẫn kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và đeo khẩu trang, đơn vị cũng hạn chế tổ chức hội họp đông người không cấp thiết trong thời gian phòng chống dịch bệnh, thường xuyên dùng thuốc sát khuẩn tại các khu giao dịch tiền mặt, kho quỹ, máy ATM. Đồng thời, ngân hàng còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng trực tuyến, khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, góp phần hạn chế nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Không chỉ có 2 đơn vị nêu trên, tất cả các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện, duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh liên tục từ nhiều tháng qua. Theo lãnh đạo các ngân hàng, hoạt động ngân hàng liên quan, ảnh hưởng tới nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Mặt khác, giao dịch tiền mặt và một số dịch vụ liên quan đến tiền mặt là một trong những khả năng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chính vì vậy, việc tích cực phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm thông suốt các hoạt động ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ trực tuyến, các máy ATM trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có diễn biến phức tạp là điều rất cần thiết.
Sẵn sàng trong tình hình mới
Trong tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, việc cần thiết nhất hiện nay là giảm giao dịch tiền mặt, tăng cường hoạt động trực tuyến trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, cắt giảm thủ tục không cần thiết để hạn chế khách hàng đi lại, giao dịch trực tiếp với ngân hàng. Vì vậy, nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích giao dịch trực tuyến bằng việc miễn giảm phí thanh toán và phí dịch vụ chuyển tiền.
Theo đó, nhiều ngân hàng áp dụng chính sách khuyến mại, tặng lãi suất thêm từ 0,2 - 0,3% cho khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến trên các thiết bị thông minh. Ngoài ra, khi khách hàng đăng ký mới dịch vụ các ngân hàng cũng miễn phí thường niên phí các dịch vụ ebanking, Mobile Bankng, Internet Banking…
Cùng với các biện pháp thiết thực nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh cũng tiếp tục rà soát những khách hàng hiện hữu đang có dư nợ chịu ảnh hưởng xấu từ dịch bệnh để đưa ra phương án miễn giảm, gia hạn, cơ cấu nợ, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều như du lịch, bất động sản, xuất nhập khẩu, kinh doanh các ngành nghề... góp phần khắc phục những tác động xấu đến tình hình kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, các khách hàng mới tiếp tục được hướng dẫn để áp dụng các gói tín dụng hỗ trợ; cho vay nhu cầu nhà ở để duy trì phát triển kinh tế...
THANH HỒNG