Hệ thống ngân hàng: Duy trì hoạt động liên tục, bảo đảm an toàn
(BDO) Dù đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng các hoạt động giao dịch trong lĩnh vực ngân hàng vẫn đang được thực hiện nhằm bảo đảm mọi giao dịch an toàn, thông suốt cho khách hàng.
Trong mùa dịch bệnh, lượng khách hàng đến giao dịch tại quầy giảm nhưng lượt giao dịch, thanh toán trực tuyến tăng rất mạnh. Trong ảnh: Khách hàng thực hiện giãn cách trong giao dịch tại VietcomBank Bình Dương
Hoạt động trong mọi tình huống
Ông Nguyễn Thái Minh Quang, Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết thực hiện các quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và theo chính sách bảo đảm kinh doanh liên tục của Vietcombank, nhất là thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Vietcombank Bình Dương đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để ứng phó với dịch bệnh. Ngoài thực hiện khuyến cáo 5K, ngân hàng còn chú trọng bảo vệ nguồn nhân lực để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh thông suốt. Trong đó, yêu cầu các phòng, ban test nhanh, theo dõi sức khỏe của người lao động hàng ngày, luân phiên ca, chia giờ làm việc, bố trí tối đa 50% lực lượng làm việc từ xa, 50% làm trực tiếp, lãnh đạo bố trí tối đa 30% đồng thời lập kế hoạch bảo vệ nguồn nhân lực theo từng thời kỳ, thực hiện phân tách địa điểm làm việc đối với một số vị trí trọng yếu, có lực lượng dự phòng… nhằm bảo đảm hoạt động không bị gián đoạn.
Tương tự, ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) - Chi nhánh Bình Dương, cho biết kế hoạch dự phòng của BIDV bao gồm đầy đủ các khía cạnh về y tế, nhân sự, kinh doanh và truyền thông đã được chuẩn bị và triển khai tại tất cả các đơn vị trong hệ thống. Đặc biệt, BIDV chủ động chuẩn bị nhiều giải pháp dự phòng hạn chế lây nhiễm và bảo đảm sức khỏe của cán bộ nhân viên, duy trì lực lượng lao động đủ đáp ứng yêu cầu phục vụ khách hàng như làm việc từ xa, làm việc theo ca cũng như chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dự phòng về nhân sự và bảo đảm tiếp quỹ ATM trên toàn hệ thống của chi nhánh, duy trì hoạt động kinh doanh liên tục.
Tăng cường ứng dụng trực tuyến
Tại các điểm giao dịch, các ứng dụng thanh toán online, ngân hàng điện tử được khuyến khích nhằm hạn chế việc giao dịch tại quầy. Ông Võ Văn Bửu, Giám đốc Ngân hàng Công thương (Vietinbank) - Chi nhánh KCN Bình Dương, cho biết trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, với ứng dụng VietinBank Ipay khách hàng có thể ở nhà mà vẫn thực hiện các giao dịch tài chính như chuyển tiền, thanh toán hóa đơn tiền điện, tiền nước, bưu chính viễn thông, thực hiện quản lý thẻ, đăng ký các dịch vụ tiện ích, đặc biệt có thể chủ động gởi tiết kiệm trực tuyến hoặc trả nợ vay mà không cần phải tới ngân hàng. Ngoài ra, VietinBank đã thực hiện giảm phí chuyển tiền liên ngân hàng 24/7, từ mức phí 9.000 đồng xuống còn 7.000 đồng đối với những giá trị giao dịch từ 2 triệu trở xuống. Khách hàng gởi tiết kiệm trực tuyến trên VietinBank Ipay còn được cộng thêm lãi suất so với lãi suất niêm yết tại quầy. Vì vậy, dù lượng khách hàng trực tiếp giảm nhiều nhưng lượng khách giao dịch trực tuyến vẫn tăng mạnh.
“Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 ở Bình Dương, các ngân hàng trên địa bàn đã siết chặt việc phòng, chống dịch. Theo đó, việc bảo đảm hoạt động trong mọi tình huống luôn được các ngân hàng, tổ chức tín dụng đặt lên mức cao nhất. Với sự chủ động của ngành ngân hàng, sự hợp tác của khách hàng sẽ là sự cộng hưởng giúp cho công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu kép của địa phương”. (Ông Võ Đình Phong, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bình Dương) |
Theo ông Nguyễn Thái Minh Quang, từ đầu năm đến nay các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc được ngân hàng tuyên truyền và phát triển mạnh mẽ. Vì vậy, từ khi thực hiện giãn cách nghiêm ngặt, lượng khách đến giao dịch trực tiếp tại ngân hàng giảm, nhưng đối với các kênh thanh toán online được khách hàng ứng dụng nhiều. Khách hàng có thể thanh toán qua Internet Banking, Mobile Banking… rất thuận tiện, không phải đến ngân hàng, phương thức thanh toán nhanh, đơn giản. Số lượng thẻ phát hành, mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ, khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử có sự tăng trưởng ở mức 2 con số trong bối cảnh dịch bệnh là giải pháp hữu hiệu để bảo vệ mọi người an toàn.
Tại HDBank - Chi nhánh Bình Dương, bà Lại Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc cho biết trong thời gian giãn cách xã hội nhu cầu giao dịch tài chính của khách hàng luôn được HDBank đáp ứng đầy đủ, bao gồm cả giao dịch trực tiếp và online. Ngân hàng cũng chuẩn bị các phương án dự phòng, phương án tiếp quỹ ATM để bảo đảm hoạt động liên tục trong những tình huống khó khăn và nguồn cung tiền mặt thông suốt cho người dân. Với các App HDBank nhiều tiện ích tối ưu ngày càng giúp nhiều khách hàng mới ở các thành phố lớn cũng như nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận với các dịch vụ tài chính nhanh chóng, thuận tiện và giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng. “Thời gian tới, HDBank sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm, dịch vụ để đem đến những trải nghiệm và sự bảo mật tốt nhất. Ngân hàng cũng tiếp tục triển khai các ưu đãi về phí, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và cơ chế đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng khách hàng trong mùa dịch”, bà Lại Thị Bích Thủy chia sẻ.
THANH HỒNG