Hệ thống ngân hàng đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ
(BDO) Những năm qua, dịch vụ thẻ của hệ thống ngân hàng tại Bình Dương tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã và đang nỗ lực đưa dịch vụ tài chính ngân hàng hiện đại đến với người dân, góp phần hiện thực hóa chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.
Người tiêu dùng đang ưa chuộng các hình thức thanh toán không tiếp xúc. Trong ảnh: Tư vấn khách hàng mở thẻ tại TPbank - Chi nhánh Bình Dương
Xu hướng tất yếu
Hiện nay, một cuộc đua phát hành thẻ, thanh toán điện tử đang diễn ra sôi nổi tại các ngân hàng thương mại, nhất là trong giai đoạn thanh toán bằng thẻ ngân hàng khi mua sắm ngày càng phổ biến.
Điển hình như Ngân hàng Bản Việt (BVbank) vừa ra mắt thẻ tín dụng Ms. với những đặc quyền ưu đãi dành riêng cho Ms. nữ giới. Theo đó, chủ thẻ thỏa sức mua sắm và tận hưởng tính năng hoàn tiền hấp dẫn đến 10% tại các trang thương mại điện tử như Shopee, Tiki, Lazada cùng nhiều lĩnh vực khác. Khách hàng có thể mở trực tiếp thẻ tín dụng Ms. trên ngân hàng số Digimi chỉ với vài thao tác đơn giản và hoàn toàn giao dịch online được ngay lập tức với thẻ ảo. Với thẻ vật lý, BVbank sẽ giao tận nơi đến khách hàng trong thời gian nhanh nhất.
Ông Ngô Minh Sang, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân BVbank chia sẻ: “Việc phát triển các sản phẩm dịch vụ mới, chuyên biệt và phù hợp với nhu cầu của từng nhóm khách hàng luôn được BVbank chú trọng. Thẻ tín dụng Ms. là minh chứng, mang đến nhiều trải nghiệm mới cho khách hàng. Chúng tôi không chỉ chú trọng về tiện ích mà còn tạo ra các ưu đãi thiết thực để khách hàng nhẹ nhàng chi tiêu như hoàn tiền, miễn phí thường niên, liên kết ưu đãi nhiều đối tác…”.
Mới đây, thẻ Nam A bank Mastercard đã được tích hợp thêm công nghệ thanh toán không tiếp xúc (Contactless). Chỉ cần chạm hoặc đặt thẻ trước máy POS/mPOS có biểu tượng chấp nhận Contactless để thanh toán mà không cần quẹt thẻ trên dải từ hay con chip. Đây là công nghệ thanh toán thẻ nhanh chóng, tiện lợi và được bảo mật tối đa.
Tương tự, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là một trong 8 đơn vị đầu tiên triển khai dịch vụ rút tiền qua ATM liên thông giữa các ngân hàng bằng mã VietQR mà không cần thẻ vật lý (VietQRCash). Với VietQRCash, khách hàng chỉ cần truy cập ứng dụng Mobile app của ngân hàng (đối với BIDV là Smartbanking) để quét mã QR hiển thị trên màn hình ATM. Sau khi chọn thẻ để giao dịch, khách hàng chọn số tiền cần rút trên Mobile app của ngân hàng hoặc trên ATM, nhập mã PIN thẻ và hoàn thành giao dịch.
Theo ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc BIDV - Chi nhánh Bình Dương, việc triển khai dịch vụ VietQRCash nằm trong lộ trình từng bước hiện đại hóa, số hóa các dịch vụ ngân hàng nói chung cũng như góp phần mở rộng thêm tính năng, thúc đẩy giao dịch, gia tăng tiện ích trên kênh máy giao dịch tự động.
Đẩy mạnh chiến lược thanh toán thẻ
Các ngân hàng đang đẩy mạnh chiến lược thanh toán thẻ nhằm gia tăng doanh thu trên kênh số. Bà Lâm Thị Châu Phương, Giám đốc TPbank - Chi nhánh Bình Dương, cho biết 3 năm trở lại đây, ngân hàng này đã chuyển dịch 93% các giao dịch lên kênh số, trước đó con số này chỉ khoảng 80%. Cả số lượng giao dịch, giá trị giao dịch đã tăng 8-10 lần chỉ trong vòng 3 năm. “Với sự nỗ lực hiện đại hóa hệ thống thanh toán, chúng tôi đang chuyển dịch thói quen giao dịch không tiền mặt của khách hàng, góp phần quan trọng vào tiến trình hiện thực hóa chiến lược tài chính quốc gia”, bà Lâm Thị Châu Phương cho biết thêm.
Lãnh đạo một số ngân hàng đánh giá, phát triển dịch vụ, đặc biệt mảng thẻ tín dụng là lối đi khá an toàn. Mỗi một giao dịch bằng thẻ tín dụng qua máy POS của các ngân hàng thường sẽ được tính phí từ 0,25-2%/giao dịch, trong khi chi phí để duy trì các máy này lại rất thấp. Bên cạnh đó, các loại thẻ tín dụng còn mang về nguồn thu từ phí thường niên và một số loại phí khác phát sinh thêm từ người dùng cho ngân hàng. Điều này cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của các ngân hàng từ dịch vụ này là khá tốt và ổn định.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho rằng, hiện nay cho vay đối với doanh nghiệp lớn và quy mô có rủi ro tương đối cao. Trường hợp xảy ra những bất trắc, áp lực đối với các ngân hàng sẽ rất lớn. Nếu phát triển thẻ tín dụng, ngân hàng cũng sẽ chịu một số rủi ro, song rủi ro này được phân tán và ngân hàng có thể kiểm soát được. Vì vậy, việc đẩy mạnh chiến lược thanh toán thẻ là một trong những mục tiêu của các ngân hàng.
Tuy nhiên, người tiêu dùng đang có yêu cầu cao hơn và chuộng các hình thức thanh toán không tiếp xúc. Vì vậy, nhiều ngân hàng đẩy mạnh chuyển đổi số, mở rộng phát triển thêm nhiều dịch vụ ngân hàng điện tử, đặc biệt là dịch vụ thẻ tín dụng phục vụ thêm một số phân khúc. Với ý nghĩa này, sẽ tạo ra sức nóng cạnh tranh ở phân khúc thẻ tín dụng là rất cao trong thời gian tới.
THANH HỒNG