Hệ thống ngân hàng: Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi cho doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng dịch bệnh
(BDO) Cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã và đang được hệ thống ngân hàng ráo riết thực hiện, nhằm tiếp thêm nguồn “vắc xin”, giúp hoạt động sản xuất, kinh doanh sớm được phục hồi.
Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ sâu hơn để thuận lợi hồi phục, phát triển sau đại dịch. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty KOLON Việt Nam (Cụm công nghiệp Uyên Hưng, TX.Tân Uyên)
Giải bài toán chưa có tiền lệ
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho rằng đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 diễn ra với mức độ ảnh hưởng nặng nề hơn so với các đợt trước và gây ra những khó khăn lớn cho DN. Ông kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) hỗ trợ ngay cho các DN được giãn nợ, gia hạn trả lãi suất mà không hạ bậc tín dụng của DN. Ông cũng kiến nghị với UBND tỉnh có ý kiến để các ngân hàng trong tỉnh áp dụng Thông tư 14 (TT14) của NHNN vừa ban hành để hỗ trợ kịp thời DN vượt qua khó khăn trong dịch bệnh chưa có tiền lệ này.
Tìm hiểu cụ thể về điều khoản quy định hỗ trợ DN và người dân theo TT14 của NHNN, ông Võ Đình Phong, Giám đốc NHNN Việt Nam chi nhánh Bình Dương, cho biết TT14 sửa đổi, bổ sung TT01 (2020) và TT03 (đầu năm 2021) để bảo đảm phù hợp với diễn biến mới của tình hình dịch bệnh với phạm vi ảnh hưởng rộng hơn và có mức độ nghiêm trọng hơn, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 7-9-2021.
Theo đó, các nội dung sửa đổi chính bao gồm phạm vi khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí theo hướng bao gồm cả khoản nợ phát sinh từ ngày 10-6-2020 đến trước ngày 1-8-2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10-6- 2020 như quy định của TT01. Thông tư cũng sửa đổi phạm vi cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí đối với nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi phát sinh trong khoảng thờigian từ ngày 23-10-2020 đến ngày 30-6- 2022 thay vì từ 23-1-2020 đến ngày 31-12-2021 như quy định trước đây. Ngoài ra, các tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời gian nợ, miễn giảm lãi phí đến ngày 30-6- 2022 thay vì chỉ đến ngày 31- 12-2021 theo TT01.
Như vậy, TT14 có quy định mở hơn nhiều so với TT01 và TT03 nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho khách hàng cá nhân và DN, khách hàng có thêm 6 tháng để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo NHNN chi nhánh Bình Dương cho biết trong năm 2020, lãi suất toàn hệ thống trung bình giảm khoảng 1,2 - 1,5%. 8 tháng năm 2021, lãi suất giảm thêm khoảng 0,5%. Trước tình hình dịch bệnh lan rộng ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam, NHNN tiếp tục chỉ đạo các NHTM giảm tiếp lãi suất cho các DN thông qua 2 nguồn gồm cắt giảm tối đa chi phí hoạt động và chia sẻ lợi nhuận.
Thực hiện chỉ đạo của NHNN Việt Nam, Hiệp hội Ngân hàng và 16 NHTM đã đồng thuận, cam kết sẽ giảm tiếp lãi suất cho các đối tượng, với tinh thần khó khăn nhiều giảm nhiều, khó khăn ít giảm ít. Cụ thể, 16 NHTM cam kết từ nay đến cuối năm sẽ giảm tổng số 20.300 tỷ đồng thông qua các nguồn trên. Các NHTM tùy theo quy mô, điều kiện sẽ có cách làm khác nhau để thực hiện được cam kết này. Ngoài phần 16 NHTM đã cam kết giảm kể trên, 4 NHTM có vốn Nhà nước cũng đã đồng thuận giảm thêm 4.000 tỷ đồng nữa (mỗi ngân hàng sẽ giảm thêm 1.000 tỷ đồng) cho các địa phương như TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là những tỉnh, thành phố và các DN trên địa bàn đang hết sức khó khăn. Bên cạnh giảm lãi suất, 4 NHTM có vốn Nhà nước cũng cam kết sẽ giảm 100% các loại phí dịch vụ tại TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương và một số tỉnh đặc biệt khó khăn bởi dịch bệnh và đang phải cách ly theo Chỉ thị 16.
Tăng cường giám sát
Để chính sách thực sự có hiệu quả, ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I, cho biết với mức thiệt hại nặng nề hơn, NHNN có những quyết sách cụ thể như thế nào để việc hỗ trợ thật sự đi vào chiều sâu, giúp các DN có thể vượt qua khó khăn trước mắt, sớm phục hồi kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất, thực hiện “mục tiêu kép” trong tình hình mới.
Lãnh đạo NHNN Việt Nam chi nhánh Bình Dương cho biết sẽ tăng cường chỉ đạo và giám sát đối với hệ thống NHTM trên địa bàn nhằm đẩy nhanh việc triển khai hỗ trợ khách hàng. “Tôi cho rằng việc giảm lãi suất và giảm phí lần này là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để bảo đảm việc giảm phí, giảm lãi suất một cách thực chất cũng như bảo đảm việc tiếp cận vốn lãi suất thấp của các DN, NHNN sẽ tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết trên của các NHTM, bảo đảm từ nay đến cuối năm những cam kết này sẽ hỗ trợ tích cực cho DN. Chúng tôi đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động rà soát, đánh giá, phân loại khách hàng đang có quan hệ tín dụng để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh và khả năng trả nợ để có giải pháp hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp đáp ứng điều kiện theo quy định”, ông Võ Đình Phong cho biết.
TIỂU MY