Hệ thống giao thông thành phố mới Bình Dương: Kết nối và lan tỏa

Thứ sáu, ngày 14/02/2014

Với vai trò đi đầu để mở đường phát triển, hệ thống giao thông vận tải của Bình Dương từ nhiều năm qua đã được quy hoạch, đầu tư theo hướng liên kết giữa chùm đô thị vệ tinh với các khu công nghiệp, hướng về trung tâm thành phố mới. Các nguồn lực, nguồn nguyên liệu sau khi được hấp thu, gia tăng giá trị lại tiếp tục theo hệ thống giao thông lan tỏa ra cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đến các cảng quốc tế và vươn ra nước ngoài một cách nhanh nhất, tiết kiệm nhất. Nhờ sự kết nối liên thông trong thiết kế giao thông đã giúp rút ngắn khoảng cách địa lý giữa nông thôn và thành thị, góp phần tích cực vào việc xây dựng, phát triển thành phố Bình Dương văn minh hiện đại.

 Vai trò tạo lực

Khởi đầu là quốc lộ 13, công trình giao thông có ý nghĩa chiến lược, là tuyến xương sống, giữ vai trò tạo lực để Bình Dương phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị. Với vai trò đối nội, tuyến quốc lộ 13 đã nối kết, phát triển các trung tâm đô thị phía bắc với trung tâm công nghiệp, đô thị phía nam, cùng hướng về trung tâm thành phố mới Bình Dương (TP.TDM) với cự ly ngắn nhất. Còn về ý nghĩa đối ngoại, tuyến quốc lộ 13 như sợi dây liên thông làm gia tăng giá trị hàng hóa thông qua chế biến tại các khu, cụm công nghiệp Bình Dương tiếp tục lan tỏa ra hai cửa ngỏ quan trọng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là TP.HCM và các tỉnh Tây nguyên, xuất ra nước ngoài gần nhất, tiết kiệm nhất!

Hệ thống giao thông tại TPM Bình Dương được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại

Cùng chia sẻ vai trò quan trọng với quốc lộ 13 và gánh vác thêm nhiệm vụ rút ngắn cự ly, mở ra hành lang giao thông mới theo chiều ngang, nhằm phát huy vai trò các đô thị vệ tinh xung quanh thành phố mới Bình Dương là các tuyến đường ĐT741, Mỹ Phước - Tân Vạn kết nối với đường Vành đại 3 - TP.HCM tạo ra hành lang mới gắn kết Bình Dương với TP.HCM, ra các cảng quốc tế, các trung tâm logisitc và ngược lại. Đường ĐT746, ĐT744, kết nối trung tâm thành phố mới đi qua các khu di tích lịch sử cách mạng, khu du lịch, khu công nghiệp, trung tâm huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên… tiếp tục tạo đà phát triển kinh tế đồng bộ cho các huyện phía bắc. Cầu Thủ Biên, đường 7A, cầu Thới An giữ vai trò trọng yếu trong việc gắn kết giao thông từ đông sang tây. Tạo thành thế liên hoàn giữa giao thông đối nội với giao thông đối ngoại; phát huy lợi thế vùng kinh tế trọng điểm với hệ thống giao thông quốc gia, cảng biển, sân bay, góp phần tạo ra lực xúc tác giúp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy giao thương và phát triển đô thị.

“Xương sống” phát triển

Đồ án xây dựng Khu Liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương (khu liên hợp) đã được Bộ Xây dựng phê duyệt tại Quyết định 522/QĐ-BXD, ngày 27-3-2006. Theo đó các trục giao thông chính kết nối giữa khu liên hợp với các tuyến giao thông đối ngoại và khu vực xung quanh là những tuyến đường lớn, có lộ giới 46,5m. Đường trục chính trong các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ có lộ giới 36,5m. Các tuyến nội bộ có lộ giới tối thiểu từ 2 làn xe trở lên. Trên cơ sở đồ án quy hoạch được phê quyệt, Bình Dương đã tập trung xây dựng cho mình vóc dáng riêng theo hướng đô thị trẻ văn minh, hiện đại, năng động và thân thiện môi trường. Trong đó hạ tầng giao thông giữ vai trò rất quan trọng trong việc phát triển chuỗi đô thị cũ và mới theo hướng mở, đồng bộ. Đồng thời kết nối các khu vực trên địa bàn tỉnh với khu liên hợp được thuận lợi, nhanh chóng.

Tuyến đường tạo lực số 1 (đường Võ Văn Kiệt), nối liền khu liên hợp với đường ĐT743. Tuyến tạo lực số 6 nối liền khu liên hợp với quốc lộ 13. Hai tuyến đường này tạo ra cửa ngỏ phía nam, đồng thời với việc đầu tư tuyến đường Phạm Ngọc Thạch (đường vào Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh) và đường Mỹ Phước - Tân Vạn tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn của khu vực, kết nối giao thông thông suốt giữa Bình Dương với TP.HCM và Đồng Nai.

Tuyến tạo lực số 2B nối liền khu vực phía đông khu liên hợp với đường ĐT746. Đây là cửa ngỏ thông thương ra cảng Thạnh Phước, sông Đồng Nai, cảng quốc tế nước sâu Thị Vải… Tuyến tạo lực N14 nối liền đường ĐT741 là cửa ngỏ phía bắc của khu liên hợp, giữ vai trò tiếp nhận, giao lưu hàng hóa từ các tỉnh Bình Phước, Tây nguyên. Ngoài ra khi tuyến đường vành đai 4 TP.HCM được hình thành, đây là trục đông - tây của khu liên hợp, cũng như của Bình Dương kết nối chuỗi đô thị Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM thông suốt. Bên cạnh đó việc nâng cấp, mở rộng đường ĐT742 cùng sự hình thành tuyến đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, tuyến đường sắt đô thị từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên sẽ tạo ra mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại, vừa hội tụ vừa lan tỏa mạnh mẽ vào mạng lưới giao thông trong vùng và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Lê Văn Rum đúc kết: “Chủ trương quy hoạch, xây dựng mạng lưới giao thông của Bình Dương là cùng phát triển các chùm đô thị vệ tinh hướng về trung tâm thành phố mới. Từ đó lan tỏa mạnh mẽ ra các tỉnh, thành lân cận, rồi đến khu vực, ra quốc tế theo hướng gần nhất, tiết kiệm nhất. Nhờ phát triển tốt hệ thống giao thông mà khoảng cách thành thị với nông thôn đã rút ngắn, đồng nghĩa với việc làm thay đổi cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Bình Dương.

DUY CHÍ