Hệ sinh thái mới thúc đẩy bất động sản nâng cao giá trị

Thứ sáu, ngày 16/09/2022

(BDO) Sau 25 năm xây dựng, kinh tế - xã hội tỉnh phát triển mạnh mẽ. Quy mô kinh tế Bình Dương đến nay đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997, trong đó khu nông nghiệp tăng gấp 14,2 lần, dịch vụ tăng 112,2 lần và đặc biệt công nghiệp tăng 140,6 lần. Thành quả trên có dấu ấn rất lớn của quá trình phát triển hạ tầng nội tỉnh và liên vùng, trong đó bất động sản công nghiệp được sử dụng như một công cụ thu hút nguồn lực, tạo ra thặng dư cho xã hội. Thặng dư đó lại được Bình Dương tái đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên diện rộng, thông qua mô hình phát triển công nghiệp theo hệ sinh thái công nghiệp đô thị dịch vụ.

Cách thức đầu tư này tạo ra sự cộng hưởng tác động qua lại trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và thặng dư, giúp mọi người dân được hưởng thụ thành quả phát triển chung của tỉnh. Điều này được minh chứng bằng việc sau 25 năm, Bình Dương đã trở thành vùng đất có thu nhập trung bình cao với hơn 7.000 USD/người/năm ngang với Thái Lan và gấp 2,5 lần GDP bình quân đầu người cả nước (2.750 USD/người/ năm) theo định hướng, mục tiêu đến năm 2030.

Tuy nhiên, sau quá trình phát triển nhanh chóng, Bình Dương đang đứng trước giai đoạn bước ngoặt, cần phải vượt qua bẫy thu nhập trung bình để phát triển trở thành vùng đất có thu nhập cao (trên 12.000 USD/người/ năm). Lợi thế về nhân công giá rẻ và đất đai phù hợp sẽ khó có thể được duy trì trong tương lai gần, nhưng nếu Bình Dương không giải quyết được thách thức này, những giá trị tích lũy qua nhiều năm nằm trong bất động sản hoàn toàn có thể mất đi.

Xác định được những bất lợi đó, Bình Dương đã và đang xây dựng một chiến lược quy hoạch tích hợp trong giai đoạn mới, đánh giá tổng thể nguồn lực của tỉnh, xây dựng bản quy hoạch liên ngành, đa chiều, nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp sản xuất với giá trị gia tăng thấp lên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, phát triển bền vững với các chiến lược dịch chuyển công nghiệp thâm dụng lao động về phía bắc, để dành dư địa cho phát triển bất động sản, thương mại dịch vụ, khoa học và công nghệ ở phía nam là hoàn toàn đúng đắn. Hệ sinh thái mới là điều kiện không thể thiếu để bất động sản Bình Dương tiếp tục trở thành phương tiện thu hút, tích lũy giá trị và trở thành phương tiện phân chia thành quả phát triển nhanh nhất với từng hộ gia đình, từng người dân.

Bất động sản không chỉ là những khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mà bất động sản thực chất là tài sản trường tồn của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Giá trị của bất động sản sẽ phản ánh phần nào chiến lược phát triển thông minh của mỗi vùng đất. Ông Nguyễn Văn Dành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đánh giá việc phát triển mạnh mẽ nền kinh tế đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn tỉnh nhà, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Các dự án phát triển nhà ở ngày một khang trang và chất lượng hơn, góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của thị trường theo hướng tiện lợi, hiện đại và văn minh hơn.

 PHƯƠNG LÊ