Hệ lụy xấu cho môi trường từ việc kích điện đánh bắt thủy sản

Thứ năm, ngày 10/11/2022

(BDO) Thời gian gần đây, ở một số địa phương xuất hiện tình trạng người dân dùng bộ kích điện để đánh bắt cá, lươn. Tình trạng này càng trở nên phổ biến đối với những địa phương có hệ thống ao hồ, kênh rạch, sông ngòi chằng chịt, trực tiếp gây ra những hệ lụy xấu, làm suy thoái môi trường sông nước, giảm đa dạng sinh học.

 

Người dân sử dụng bộ xung điện, kích điện để đánh bắt cá gây ra nhiều hệ lụy xấu cho môi trường

 Kích điện tràn lan

Nhận được thông tin phản ánh của người dân, phóng viên Báo Bình Dương đã có mặt tại cơ sở để ghi nhận. Theo đó, cứ men theo con nước ròng, ở hệ thống các con sông rạch, ao hồ thiên nhiên các xã, phường Thanh Tuyền (huyện Dầu Tiếng), Phú An, Tân Định, Thới Hòa (TX.Bến Cát)… thường xuyên xuất hiện tình trạng người dân dùng bộ kích điện để đánh bắt cá. Sự việc này diễn ra từ nhiều năm nay dù đã có quy định cấm các hành vi sử dụng bộ kích điện đánh bắt cá.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn T., người dân xã Thanh Tuyền, cho biết việc đánh bắt cá ở lưu vực sông Sài Gòn đoạn qua địa phận Thanh Tuyền được xem là nghề mưu sinh của người dân địa phương. Tuy nhiên, trong khi một số người dân tuân thủ pháp luật và chỉ sử dụng chài, lưới, đặt túm, nò… để đánh bắt cá nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường sinh thái thì nhiều người lại chọn phương pháp sử dụng bộ kích điện để đánh bắt. Ông T. cho biết thông thường, những người dùng kích điện đánh bắt cá thường chọn thời điểm ban đêm hoặc thời điểm nước ở hệ thống kênh rạch, sông hồ ròng (nước thấp) để đánh bắt, tỷ lệ bắt cá thành công gần như là 100%.

Vào vai là một người có hứng thú với việc sử dụng kích điện và muốn “học nghề”, phóng viên đã tiếp cận được với ông Lê Viết H., người dân khu phố 4, phường Tân Định. Quảy trên lưng một bộ kích điện, tay cầm hai thanh kích dài khoảng 1,5m, ông Lê Viết H. dẫn chúng tôi ra con rạch của sông Thị Tính ở khu vực Gò Nổi đoạn qua địa bàn khu phố 4, phường Tân Định để “thực hành”. Ông H. cho biết thời điểm nước ròng là thích hợp nhất để chích cá vì lúc này cá sẽ gom lại ở một số điểm nên rất dễ phát hiện. Khi thấy cá, chỉ cần rà nhẹ hai cây kích xuống vùng nước và bấm nút tạo xung điện khiến cho đàn cá bị rối loạn và chết, cá con có tỷ lệ chết lên đến hơn 90%.

Ông Trương Thành L., người dân phường Thới Hòa cho biết ở khu vực các con kênh rạch của sông Thị Tính có khá nhiều người sử dụng kích điện để đánh bắt lươn, cá. Dù Nhà nước đã có quy định cấm nhưng nhiều người dân phần thiếu hiểu biết, phần vì miếng cơm manh áo mà phớt lờ. Theo ông L., sở dĩ những người dân chuyên sử dụng phương pháp kích điện vì nhanh gọn, hiệu quả. Mỗi lần đi chích khoảng 1,5 đến 2 tiếng là đã “thu hoạch” được trên dưới 3kg lươn, cá.

Cần chế tài mạnh

Bình Dương là vùng đất trù phú tài nguyên gắn liền những con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, Sông Bé, Thị Tính… hệ thống sông rạch ở đây có rất nhiều tôm, cá và các loại thủy sản khác. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà môi trường nước ở hệ thống sông rạch, ao hồ trên địa bàn bị suy giảm kéo theo trữ lượng và chủng loại đàn tôm, cá, thủy sản đã giảm đáng kể.

Theo đánh giá của các chuyên gia, ngoài việc chất lượng nguồn nước bị ô nhiễm thì việc người dân sử dụng hệ thống xung điện, kích điện để đánh bắt cá vô tội vạ cũng là nguyên nhân khiến đàn tôm, cá, thủy sản bị suy giảm. Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết xét theo góc độ đa dạng sinh học, hiện nay môi trường nước trên địa bàn tỉnh đã suy giảm đáng kể. Nhiều loài tôm, cá, thủy sản vốn là đặc sản mang thương hiệu Sông Bé - Bình Dương nay đã trở nên hiếm hoi.

Theo tìm hiểu, dù Nhà nước đã có quy định cấm sử dụng phương pháp xung điện, kích điện để đánh bắt cá, nhưng hiện nay công tác triển khai ở cơ sở vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo đó, liên quan trách nhiệm quản lý nhà nước thì ở cấp xã, phường, thị trấn sẽ có một cán bộ phụ trách lĩnh vực môi trường nhưng theo quy định tinh giảm biên chế, tinh gọn bộ máy, cán bộ này thường sẽ kiêm nhiệm, khó bao quát công việc. Chưa kể là những người có hành vi sử dụng bộ xung điện, kích điện để đánh bắt cá thường hoạt động vào ban đêm và ở những nơi vắng vẻ nên rất khó để phát hiện.

Để góp phần gìn giữ môi trường sinh học ở sông rạch, ao hồ trên địa bàn, thiết nghĩ, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của người dân. Ngành chức năng, địa phương cũng cần tăng cường các biện pháp chế tài, có lộ trình, kế hoạch cụ thể thành lập các lực lượng liên ngành cấp cơ sở vào cuộc xử lý triệt để các hành vi vi phạm. Người dân cũng cần thực hiện triệt để quyền giám sát, phản ánh những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2 020.

 Theo quy định của khoản 7, Điều 7, Luật Thủy sản 2017, những người có hành vi sử dụng xung điện, dòng điện, phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt, tận diệt để khai thác nguồn lợi thủy sản sẽ bị xử phạt hành chính từ 3 - 5 triệu đồng/lần đối với cá nhân và 6 - 10 triệu đồng/lần đối với tổ chức, đồng thời bị tịch thu công cụ kích điện, máy phát điện và ngư cụ đối với trường hợp vi phạm. Những trường hợp vi phạm nhiều lần và gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường còn có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 ĐÌNH THẮNG