Hệ lụy từ tin giả trên mạng
(BDO) Chủ động thông tin
Trao đổi với P.V, đại diện Đội an ninh Công an (CA) huyện Dầu Tiếng cho biết từ tháng 4 đến nay, qua công tác nghiệp vụ, đơn vị đã tiến hành mời nhiều trường hợp đến làm việc về hành vi đưa thông tin không đúng trên MXH. Cụ thể CA huyện Dầu Tiếng đã tiến hành răn đe 7 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền 2,5 triệu đồng. Những trường hợp này đều được thông tin trên trang fanfage của CA huyện Dầu Tiếng nhằm giáo dục, răn đe.
Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh tuyên truyền pháp luật đến người dân nhằm nâng cao tinh thần cảnh giác trước tin giả
Thời gian qua, CA huyện Dầu Tiếng là đơn vị làm tốt công tác xử lý các cá nhân có hành vi đăng tin trên MXH nhằm “câu like”. Cũng từ thông tin trên mạng, CA địa phương đã nhanh chóng vào cuộc xử lý các hành vi vi phạm trong thời điểm giãn cách xã hội như hiện nay. Mới đây nhất CA huyện đã tiến hành xử lý một nhóm thanh niên bày ra ăn nhậu rồi lên mạng khoe, tổng số tiền phạt các đương sự phải nộp là 150 triệu đồng. Trước đó có 6 cá nhân cũng bị CA mời làm việc vì có hành vi đăng tải thông tin sai trên MXH.
Ngoài huyện Dầu Tiếng, nhiều địa phương cũng đã chủ động trong việc “tác chiến” trên không gian mạng nhằm định hướng dư luận, không để người dân bị các luồng thông tin xấu, độc gây ảnh hưởng. Thượng tá Võ Văn Hồng, Trưởng CA TP.Dĩ An, cho biết ngoài việc chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, lãnh đạo CA địa phương luôn chú trọng việc tuyên truyền trên trang fanfage của CA TP.Dĩ An. Đây là những kênh thông tin chính thống, quan trọng, giúp thông tin đến được với người dân nhanh, đúng định hướng. Trong khi đó, Thượng tá Hà Minh Thắng, Phó trưởng CA TP.Thủ Dầu Một thì cho rằng để người dân “tăng sức đề kháng” trước thông tin xấu độc thì công tác tuyên truyền pháp luật cần được chú trọng. Thời gian qua, CA TP.Thủ Dầu Một đã làm tốt công tác này.
“Tùy theo tình hình thực tiễn mà các địa phương có những cách làm phù hợp nhằm tuyên truyền pháp luật đến người dân. Riêng CA TP.Thủ Dầu Một phân công lực lượng phát tờ rơi tuyên truyền hoặc thông qua hệ thống loa phát thanh của các địa phương. Từ những thông tin chính thống này sẽ giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các tin xấu”, Thượng tá Thắng cho biết.
Cần xử phạt nghiêm để răn đe
Nói về việc xử lý tin giả trên mạng, bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh, mong các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp phát tán tin giả, tin xấu độc và kịp thời đưa thông tin chính thống đến các cấp hội.
Theo bà Nga, những tin giả, tin đồn thất thiệt, gây hoang mang, ảnh hưởng đến công cuộc phòng chống dịch. “Đây là những hành vi đáng lên án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, cần được cơ quan chức năng xử lý nghiêm để răn đe. Trước vấn đề này, Hội LHPN tỉnh yêu cầu các cấp hội phải chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng hội viên, chủ động dự báo những vấn đề phức tạp nảy sinh để có định hướng đúng trong công tác tuyên truyền. Nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục cũng cần phải được đổi mới, đi sâu vào những nội dung thiết yếu, cấp thiết nhất liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách, các giải pháp của tỉnh nhằm chăm lo cho các đối tượng yếu thế, những người khó khăn trên địa bàn tỉnh”, bà Nga cho biết.
Trước mắt, ở cấp tỉnh, Hội LHPN tỉnh tập trung thực hiện các hình thức tuyên truyền phù hợp trong bối cảnh thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, như: Thông qua hệ thống truyền thanh, thông qua mạng xã hội (nhóm Zalo, hệ thống fanpage của hội)… với các thông tin ngắn gọn và cần thiết.
T.PHƯƠNG - T.TRANG