Hệ lụy từ lạm dụng rượu, bia
(BDO) Thời gian qua, các cơ sở y tế đã tiếp nhận không ít bệnh nhân ngộ độc rượu, xơ gan do rượu hoặc các bệnh lý liên quan đến rượu, bia. Theo thống kê, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là ở giới trẻ. Sử dụng rượu, bia đã và đang gây nên những hệ lụy khôn lường.
Công an kiểm tra nồng độ cồn của người tham gia giao thông. Ảnh: THÁI HẢI
Uống rượu, bia có nguy cơ gây tàn tật và tử vong
Vừa qua, một bệnh nhân nam nhập viện vì nôn ra máu, đau bụng, đi đại tiện phân lẫn máu. Trước khi nhập viện 2 ngày, bệnh nhân có uống nhiều bia rượu, sau đó bị nôn, ói rất nhiều, đau dữ dội ở vùng thượng vị. Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc mất máu do xuất huyết tiêu hóa trên, cần hồi sức và cầm máu khẩn cấp. Sau thăm khám, bác sĩ xác định đây là một trường hợp điển hình của hội chứng Mallory-Weiss, thường gặp ở nam giới tuổi 30-50. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bệnh là do bệnh nhân uống nhiều rượu, bia, say rượu, nôn ói nhiều làm rách niêm mạc thực quản.
Hay trường hợp bệnh nhân nam khác đến bệnh viện khám vì lý do mệt mỏi, chán ăn, khó ngủ, đau mỏi các khớp kèm theo đau tức bụng vùng thượng vị (trên rốn), bị tiêu chảy 3-4 lần/ngày. Bác sĩ khai thác tiền sử, bệnh nhân cho biết bản thân đã uống rượu nhiều năm trên 500ml/ngày. Sau khi trực tiếp khám lâm sàng, bác sĩ nhận định tình trạng bệnh. Bệnh nhân được chỉ định xét nghiệm đánh giá công thức máu, các yếu tố đông máu, chức năng gan, thận, viêm gan vi rút, đường máu, mỡ máu, siêu âm ổ bụng và đàn hồi mô gan, nội soi thực quản dạ dày để tìm nguyên nhân gây ra các biểu hiện bất thường. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân cho thấy các chỉ số men gan đều tăng cao, đặc biệt chỉ số đánh giá tình trạng nhiễm độc gan tăng hơn 90 lần so với giới hạn bình thường, viêm gan vi rút âm tính, glucose máu và HbA1C tăng. Chẩn đoán hình ảnh, siêu âm ổ bụng cho thấy bệnh nhân xơ gan, gan nhiễm mỡ độ II, túi mật to, nội soi viêm dạ dày, sẹo loét hành tá tràng. Trước kết quả khám có bất thường đó, bệnh nhân được chỉ định nhập viện điều trị cho đến khi tình trạng bệnh ổn định.
Trao đổi với P.V, bà Nguyễn Thị Giang Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: “Khi nói đến tác hại của rượu, bia thì mọi người thường nghĩ ngay đến tai nạn giao thông và rối loạn tâm thần. Thực tế hậu quả của việc uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều. Tác hại của rượu, bia chính là do chất cồn (ethanol) gây ra, thông qua 3 cơ chế trực tiếp là: Độc mãn tính, độc cấp tính và khiến người uống lệ thuộc”.
Một đơn vị rượu là 10g cồn tương đương 3/4 lon bia 330ml, 135ml rượu vang, 30ml rượu whisky. Đối với nam giới, sử dụng không quá 2 đơn vị cồn/ngày; nữ giới không quá 1 đơn vị cồn/ngày. Khi uống, người uống nên uống từ từ, chậm rãi, nếu rượu mạnh có thể làm loãng nồng độ nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày, đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu, giảm nguy cơ say, ngộ độc. |
Cần hạn chế sử dụng rượu, bia
“Rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Rượu, bia cũng là nguyên nhân lớn nhất gây ra 30% các vụ gây rối trật tự xã hội, 33,7% các vụ bạo lực gia đình ở Việt Nam. Sử dụng rượu, bia đã và đang gây nên gánh nặng đối với y tế, kinh tế và gia tăng các vấn đề xã hội. Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế”, bà Nguyễn Thị Giang Nhung cho biết thêm.
Hiện nay, tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang gia tăng ở mức báo động, đặc biệt là giới trẻ. Việt Nam xếp thứ hai trong các nước khu vực Đông Nam Á, xếp thứ 3 châu Á về mức tiêu thụ bình quân rượu, bia/người. Tình trạng uống quá độ đến mức nguy hại cũng đang rất phổ biến ở người trưởng thành. Đáng lưu ý, tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đều tăng cao qua các năm, nhất là ở nam giới. Cứ 3 nam giới thì có 1 người uống ở mức nguy hại.
Việc sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác có xu hướng tăng nhanh về lượng tiêu thụ bình quân ở lứa tuổi trưởng thành. Rượu thường được dùng làm dung môi và dẫn chất cho một số bài thuốc đông y (ngâm rượu thuốc), hoặc dùng một liều nhỏ trước bữa ăn có tác dụng kích thích khai vị. Tuy nhiên, nếu lạm dụng rượu, bia sẽ rất có hại tới sức khỏe. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình, bạn bè, mỗi cá nhân hãy hạn chế sử dụng rượu, bia. Trong trường hợp uống rượu, bia, mỗi cá nhân cần uống đúng cách với đúng liều lượng.
Không nên uống rượu lúc đói vì sẽ làm tăng kích ứng dạ dày dẫn đến viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày. Trước khi uống rượu nên uống nước lọc, nước ép, nước canh và đặc biệt là ăn rau xanh giúp giảm nồng độ cồn của rượu, nên ăn thức ăn giàu protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu. - Không nên uống rượu với đồ uống có gas vì sẽ làm quá trình hấp thu cồn vào máu nhanh hơn. - Người đang sử dụng aspirin thì nên tránh uống rượu vì aspirin có thể gây chảy máu dạ dày khi đói và tăng hấp thu rượu vào trong máu. Thời gian uống rượu, bia và dùng aspirin là cách 1 ngày. - Không nên uống rượu với cà phê vì cà phê có thể xua tan cơn buồn ngủ, khiến bạn cảm thấy tỉnh táo hơn nhưng không làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể. Nhiều người sẽ cảm thấy mình chưa say nên sẽ uống nhiều rượu hơn, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. |
HOÀNG LINH - DIỆU HƯƠNG