Hệ lụy của nạn vay nóng
(BDO) Hiện nay, trên địa bàn tỉnh các tổ chức “tín dụng đen” chuyên cho vay với hình thức tinh vi, chúng thuê những đối tượng hình sự để chuyên đòi nợ và siết nợ. Hệ lụy của “tín dụng đen” đã làm phát sinh nhiều loại tội phạm như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích... Công an tỉnh đã ra quân trấn áp nhiều tổ chức “tín dụng đen” và truy bắt nhiều đối tượng để xử lý trước pháp luật.
Riêng ở huyện Dầu Tiếng, tính đến nay đã triệt phá hàng loạt nhóm cho vay theo kiểu “tín dụng đen”. Chỉ riêng trong quý I-2019 đã phát hiện 5 vụ, 8 đối tượng cho vay nặng lãi trên địa bàn. Phần lớn các vụ việc bị triệt phá là do những người vay không còn khả năng trả nợ và bị đối tượng cho vay gây khó dễ nên đến cơ quan công an trình báo. Cụ thể ngày 25-12, chị Đỗ Thị T.H. (SN 1988, ngụ tại KP.2, thị trấn Dầu Tiếng) đã làm đơn trình báo về việc vay nợ với lãi suất cao. Trong quá trình vay, chị H. không có khả năng trả nợ nên đã bị đối tượng nhiều lần điện thoại đe dọa tính mạng.
Một người dân là nạn nhân của “tín dụng đen” đến Công an huyện Dầu Tiếng trình báo
Theo đơn trình báo chị H. trình bày, từ ngày 6-12 đến này 25-12-2018 chị có mượn 10 triệu đồng, trả góp trong thời gian 25 ngày, mỗi ngày trả 500.000 đồng. Ngoài ra người vay phải trả 500.000 đồng phí đi thu nợ gồm tiền xăng xe cho đối tượng. Như vậy, tổng số 25 ngày vay mượn nợ chị H. phải trả cho đối tượng 12,5 triệu đồng. Đối tượng đã thu lợi bất chính 3 triệu đồng, gấp 17 lần so với lãi suất của ngân hàng.
Sau khi cơ quan công an vào cuộc và mở rộng điều tra đã phát hiện có hơn 20 người dân ngụ tại các xã Định Hiệp, Long Hòa, thị trấn Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng) và TP.thủ Dầu Một đã vay nợ của 2 đối tượng trên. Trong đó, có khoảng 12 người ngụ tại thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng. Chỉ tính sơ bộ trong tháng 12- 2018, khoảng 20 người đã vay của nhóm người này 1 tỷ đồng. Từ số tiền vay, 2 đối tượng đã thu lãi bất chính trên 200 triệu đồng. Để được vay nợ, người vay chỉ việc đưa bản gốc chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, đồng thời viết giấy ghi nợ sẽ được đối tượng cho vay trong vòng 5 phút, mức cho vay từ 5 đến 100 triệu đồng.
Một cán bộ điều tra Công an huyện Dầu Tiếng cho biết chỉ từ tháng 1- 2019 đến nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Dầu Tiếng đã triệt phá hàng loạt vụ cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự với hàng chục đối tượng. Đáng chú ý là trong tháng 4-2019, TAND huyện Dầu Tiếng đã mở phiên tòa xét xử vụ án điểm đối với bị can Hoàng Văn Phong (36 tuổi) và Hoàng Văn Duy (30 tuổi, cùng quê tỉnh Hải Dương) về hành vi cho vay nặng lãi.
Tại phiên tòa, hai bị cáo Phong và Duy thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Cụ thể, từ đầu tháng 6-2018 đến khi bị bắt, 2 bị cáo Phong và Duy đã cho 13 người (trong đó có 10 người trên địa bàn huyện Dầu Tiếng và 3 người trên địa bàn TP.Thủ Dầu Một) vay mượn với số tiền gốc từ 5 đến 100 triệu đồng trên một lần vay. Tổng số tiền Phong và Duy cho vay là 930 triệu đồng. Số tiền người vay phải trả cả gốc và lãi là hơn 1,1 tỷ đồng. Phong và Duy đã thu được số tiền hơn 914 triệu đồng. Người vay còn nợ số tiền hơn 281 triệu đồng. Phong và Duy thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 251 triệu đồng.
Việc cho vay, hai bị cáo Phong và Duy tự đặt ra mức lãi suất từ 1 - 1,23%/ngày (tương đương trên 365%/năm), cao gấp 18,51 - 22,77 lần so với mức lãi suất cao nhất là 20%/năm được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Hoàng Văn Phong và Hoàng Văn Duy phạm tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”. Hoàng Văn Phong bị phạt 10 tháng tù; bị cáo Hoàng Văn Duy 8 tháng tù. Hội đồng xét xử buộc những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án còn nợ số tiền của hai bị cáo Phong và Duy phải nộp tổng cộng trên 291 triệu đồng để tịch thu sung vào ngân sách.
TRUNG HẬU