Hé lộ bí mật về tình báo Liên Xô
Kho tài liệu gốc về hoạt động tình báo của Liên Xô (cũ) tại phương Tây đã được công bố lần đầu tiên sau hơn 2 thập niên nằm trong vòng bí mật.
Bà Melita Norwood làm gián điệp cho KGB suốt 40 năm tại London - Ảnh: Churchill Archives
Sử gia chuyên về tình báo Christopher Andrew gọi kho tài liệu này, được cất giữ tại Trung tâm văn khố Churchill thuộc Đại học Cambridge (Anh) và giải mật rộng rãi vào hôm qua, là “nguồn thông tin tình báo riêng biệt quan trọng nhất” trong lịch sử tình báo - phản gián thế giới.
Những gián điệp thượng thặng
Theo Reuters, kho tài liệu trên đã được Vasili Mitrokhin, một quan chức kỳ cựu của Cơ quan An ninh quốc gia (KGB) bí mật chuyển khỏi Nga vào năm 1992. Những dòng ghi chép bằng tay trong các cuốn sổ bìa xanh lá đã mô tả tỉ mỉ vô số kế hoạch phá hoại, kho cất giấu vũ khí bí mật và hoạt động của đội quân gián điệp được Liên Xô cắm tại các nước phương Tây. Trong số này, điệp viên được đánh giá cao nhất là Melita Norwood. Trong hơn 40 năm kể từ năm 1937, Norwood đã cung cấp cho phía Liên Xô nhiều thông tin quý giá về công nghệ và quân sự Anh nhờ vỏ bọc là nhân viên cấp cao của nhiều viện nghiên cứu. Mãi đến cuối thập niên 1970, bà mới “về hưu” và sống bình lặng ở Anh đến khi bị lộ thân phận sau khi Mitrokhin đào tẩu đến London. Vì nhiều lý do chưa được tiết lộ, Norwood không hề bị xét xử và bà qua đời năm 2005 ở tuổi 93. Tài liệu vừa được giải mật mô tả Norwood là “một điệp viên trung thành, đáng tin, kỷ luật” còn báo chí Anh gọi bà là “nữ điệp viên quan trọng nhất mà Liên Xô từng tuyển mộ”.
Bên cạnh đó, các hồ sơ mật còn bao gồm danh sách điệp viên Liên Xô hoạt động ở Mỹ trong suốt thời chiến tranh lạnh. Khoảng 1.000 cái tên đã xuất hiện trên 40 trang giấy và một trong những tên tuổi khét tiếng nhất là Robert Lipka, mật danh “Dan”. Là nhân viên cấp cao của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, Lipka đã chuyển hàng chục thông tin mật cho người liên lạc là tướng Oleg Kalugin tại Đại sứ quán Liên Xô từ năm 1965 để nhận tổng cộng 27.000 USD. Đến tháng 8.1967, chê tiền ít nên Lipka “nghỉ việc” và cắt đứt mọi liên lạc với KGB. Đến đầu thập niên 1990, nhờ các thông tin do Mitrokhin cung cấp mà FBI mới bắt được Lipka và ông ta bị xử 18 năm tù giam. Điệp viên này ra tù năm 2006 và qua đời hồi tháng 7 năm ngoái.
Cũng nhờ kho dữ liệu của Mitrokhin mà tình báo Anh mới biết được những điểm giấu vũ khí và phương tiện truyền tin bí mật của điệp viên Liên Xô trên lãnh thổ các thành viên NATO. Chẳng hạn, một bản đồ tại Rome đánh dấu 3 hang ổ với chỉ dẫn chi tiết. London cũng bị sốc khi phát hiện Moscow nắm trong tay mọi thư tín của Bộ Ngoại giao gửi đến hoặc nhận từ các sứ quán Anh trong giai đoạn 1924 - 1936. Ngoài ra, KGB cũng điều động một phần lớn nhân sự đến các nước cộng hòa trong khối Liên Xô, trong đó có nhóm chuyên theo dõi Hồng y Ba Lan Karol Wojtyla, người sau này trở thành Giáo hoàng John Paul II.
Cuộc đào tẩu của Mitrokhin
Tuy nhiên, câu chuyện ấn tượng nhất liên quan đến “kho báu” trên chính là về bản thân Mitrokhin, người gom góp tài liệu chạy sang Anh vào năm 1992. Theo BBC, vào năm 1972, KGB quyết định chuyển nơi cất giữ kho dữ liệu khổng lồ của mình và suốt 12 năm dài Mitrokhin chịu trách nhiệm di dời toàn bộ tài liệu từ Lubyanka đến vị trí mới. Trong lúc sắp xếp lại hồ sơ, ông bỏ thời gian sao chép lại tỉ mỉ mọi thông tin sang những quyển sổ nhỏ. Khi về hưu vào năm 1984 ở tuổi 62, Mitrokhin chờ cơ hội rời Liên Xô. Trong thời gian này, ông giấu tài liệu trong một ngôi nhà của gia đình ở nông thôn bằng cách nhét vào các thùng đựng sữa và chôn xuống đất.
Trong thời biến động đầu thập niên 1990, hoạt động kiểm soát biên giới trở nên lỏng lẻo và Mitrokhin nhanh chóng chạy đến một trong những nước cộng hòa ở vùng Baltic thuộc Liên Xô. Đến nay danh tính quốc gia này vẫn chưa được tiết lộ. Ông mang theo một chiếc túi chứa toàn bộ tài liệu, bên trên phủ thêm đồ lót dơ, trực chỉ sứ quán Mỹ nhưng không thuyết phục được ai chịu nghe câu chuyện của mình. Khi thử thời vận lần nữa tại sứ quán Anh, Mitrokhin đã gặp may và tình báo London nhận ra mình đã bắt được một “mỏ vàng” thực sự. Sau đó, phía Mỹ cũng phải thừa nhận “đây là nguồn tình báo cực lớn và hoàn chỉnh nhất”. Từ đó, Mitrokhin sống hết cuộc đời còn lại tại Anh với tên giả và luôn được cảnh sát bảo vệ, cho đến khi qua đời vào năm 2004 lúc 81 tuổi.
Bê bối gián điệp đe dọa quan hệ Đức - Mỹ
Quan hệ Đức - Mỹ đang trong tình trạng căng thẳng sau khi Berlin bắt được điệp viên hai mang làm việc cho chính quyền Washington.
Theo hãng tin DPA, Bộ Ngoại giao Đức đã triệu Đại sứ Mỹ tại Berlin John B.Emerson để giải thích những khúc mắc liên quan đến vụ bắt giữ một nhân viên thuộc Cơ quan Tình báo Ngoại giao Đức (BND).
Người này khai rằng đã chuyển giao hơn 200 tài liệu mật cho phía Mỹ trong 2 năm qua, và nhận 25.000 euro. Tổng thống Đức Joachim Gauck không hề giấu phản ứng phẫn nộ khi nói rằng “thật sự đã quá đủ” còn Nhà Trắng chưa có phản ứng về vụ việc.
Theo TNO