HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ - Bài 9

Thứ năm, ngày 07/04/2016

(BDO) Bài 9: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động

HĐND tỉnh khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004 đã xác định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động của mình là: Tiếp tục đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử theo đường lối đổi mới của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND - UBND, quy chế hoạt động của HĐND các cấp và các luật hiện hành; tiếp thu thành quả hoạt động và những bài học kinh nghiệm của HĐND nhiệm kỳ 1994- 1999, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động của HĐND.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh lần thứ 2, khóa VI, ông Nguyễn Hoàng Sơn, khi đó là Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng, hoạt động của HĐND tỉnh khóa VI có nhiều thuận lợi vì đã kế thừa được nhiều bài học kinh nghiệm hoạt động của HĐND khóa V. Ông Nguyễn Hoàng Sơn nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ 1994-1999, HĐND các cấp trong tỉnh đã nhận thức sâu sắc rằng, HĐND phải tự phấn đấu nâng mình lên ngang tầm yêu cầu; khẳng định vị trí, vai trò của HĐND bằng chính hiệu quả hoạt động. Để thực hiện được yêu cầu này, vấn đề quyết định là chất lượng đại biểu. Bản thân các đại biểu cũng đã thường xuyên tự nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ hiểu biết về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận thức sâu sắc về nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, về tổ chức hoạt động của HĐND. HĐND các cấp đã thực hiện phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” phù hợp với hoạt động của HĐND. Các tổ đại biểu đã cùng với nhân dân bàn bạc những công việc cụ thể trong việc xây dựng xóm, ấp về mọi mặt như tu sửa, nâng cấp cầu, đường, đưa điện về thôn xóm, xây dựng trường học, trạm xá... Thông qua những hoạt động cụ thể đó, các đại biểu gần dân hơn, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của dân sâu sắc hơn, được nhân dân tín nhiệm. Đây là bài học kinh nghiệm rất quý báu trong tổ chức hoạt động của HĐND các cấp của tỉnh trong nhiệm kỳ qua để nhiệm kỳ tới hoạt động tốt hơn.


Những đổi mới trong hoạt động của HĐND tỉnh khóa VI đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh theo hướng bền vững.
Trong ảnh: Sản xuất hàng dệt may xuất khẩu tại Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương.
Ảnh:
P.V

Song song đó, để HĐND phát huy tốt nội lực thì việc lựa chọn và bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của HĐND có trình độ, năng lực, tận tâm... là vấn đề được quan tâm. Thường trực HĐND tỉnh và các huyện, thị đã có những biện pháp tích cực để giúp cán bộ chủ chốt của HĐND nâng cao trình độ và sự hiểu biết về mọi mặt; trong đó coi trọng việc bồi dưỡng qua thực tế hoạt động như sơ kết hoạt động nửa nhiệm kỳ; tổ chức đợt vận động tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND; tổ chức hoạt động chuyên đề trong từng cụm HĐND xã, phường, thị trấn và tổ chức vận động nhân dân thực hiện nghị quyết của HĐND... Từ đó, làm cho trình độ hiểu biết của cán bộ HĐND được nâng lên, kinh nghiệm hoạt động phong phú hơn.

Phát huy những bài học kinh nghiệm quý báu của HĐND nhiệm kỳ 1994-1999, hoạt động của HĐND khóa VI, nhiệm kỳ 1999-2004 có nhiều thuận lợi hơn. Ông Nguyễn Hoàng Sơn khi đó cho rằng, đất nước ta đang tiếp tục đổi mới theo đường lối của Đảng, vì vậy phương hướng, nhiệm vụ của HĐND nhiệm kỳ 1999-2004 là: Tiếp tục đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử theo đường lối đổi mới của Đảng; thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Tổ chức HĐND - UBND, quy chế hoạt động của HĐND các cấp và các luật hiện hành; tiếp thu thành quả hoạt động và những bài học kinh nghiệm của HĐND nhiệm kỳ 1994-1999; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả trong mọi hoạt động của HĐND. Để đạt được điều đó, HĐND các cấp cần chú trọng thực hiện những vấn đề trọng tâm. Đó là cần thực hiện nghiêm chỉnh quy trình tiến hành kỳ họp từ khâu chuẩn bị cho đến khi triển khai nghị quyết ra dân; cải tiến và nâng cao chất lượng tiếp xúc cử tri, bàn bạc thảo luận với cử tri về sản xuất, đời sống, về thực hiện các chính sách ở địa phương; tăng cường công tác giám sát trong việc thực hiện nghị quyết của HĐND, thực hiện pháp luật ở địa phương; cần xây dựng mối quan hệ giữa các ban của HĐND tỉnh với các ban của HĐND cấp huyện, bảo đảm hoạt động của các ban ở mỗi cấp đạt hiệu quả cao hơn. Việc tổ chức giám sát của HĐND cấp cơ sở, mỗi quý tổ chức một đợt, có trọng tâm, trọng điểm, có sự chuẩn bị chu đáo và rút kinh nghiệm sau mỗi đợt giám sát, coi trọng chất lượng đại biểu, trình độ năng lực của cán bộ chủ chốt HĐND. Song song đó, cần có kế hoạch cụ thể từng năm trong việc bồi dưỡng, tập huấn hoặc cử cán bộ HĐND đi học tập trung. Các đại biểu xây dựng kế hoạch, thường xuyên nghiên cứu tự nâng cao trình độ hiểu biết và quan tâm theo dõi tình hình thực tế ở địa phương. Cần phân công những công việc cụ thể cho mỗi đại biểu để thông qua đó các đại biểu có điều kiện gắn với dân, gần dân hơn. Đặc biệt, cần tiếp tục duy trì mối quan hệ giữa Thường trực HĐND tỉnh, Thường trực HĐND cấp huyện, thị và chủ tịch, phó chủ tịch các xã, phường, thị trấn; duy trì tốt giao ban định kỳ giữa Thường trực HĐND cấp huyện, thị và cấp xã, phường, thị trấn. Cần nghiên cứu tổ chức theo chuyên đề, có trọng tâm, phân công cho từng cụm HĐND thực hiện có đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm chung sau khi thực hiện từng chuyên đề.

Trên cơ sở chung đó, ngay từ năm 2000, HĐND tỉnh đã đề ra chương trình hoạt động của năm. Đó là bắt tay ngay vào việc tổ chức phổ biến quán triệt sâu hơn cho đại biểu HĐND các cấp về Luật Tổ chức HĐND-UBND; quy chế hoạt động của HĐND các cấp và chương trình tập huấn, bồi dưỡng cho đại biểu HĐND 3 cấp. Đối với cấp cơ sở, cần phân công cho mỗi đại biểu một công việc cụ thể ở khu dân cư nơi đại biểu sinh sống để giám sát việc thực hiện nghị quyết của HĐND và vận động nhân dân thực hiện. Cần nhanh chóng đưa hoạt động của HĐND các cấp đi vào nề nếp ngay từ đầu nhiệm kỳ. Thường trực HĐND các huyện, thị xây dựng chương trình cụ thể, hướng dẫn hoạt động của HĐND cấp cơ sở; bảo đảm chất lượng các kỳ họp trong năm, trọng tâm là các vấn đề về kinh tế - xã hội. Các báo cáo trình tại kỳ họp cần phải chuẩn bị kỹ làm cơ sở cho HĐND quyết định đúng đắn các vấn đề quan trọng ở địa phương và gửi đến đại biểu theo thời gian quy định, bảo đảm các đại biểu có thời gian nghiên cứu và nắm tình hình thực tế địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của HĐND, thực hiện tốt chương trình, kế hoạch cụ thể của các ban. Ngoài ra, thông qua công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ, các đại biểu phát hiện và kiến nghị các giải pháp bảo đảm cho nhiệm vụ năm 2000 được thực hiện thắng lợi, đưa nền kinh tế tỉnh nhà tiếp tục phát triển với tốc độ cao. Ngoài nội dung chủ yếu trên, cần chú trọng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy và xử lý kịp thời các vụ việc nảy sinh; giám sát việc thực hiện giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết dứt điểm những vụ việc tồn đọng kéo dài. (Còn tiếp)

THU THẢO (thực hiện)