HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ - Bài 4
(BDO) Bài 4: Hòa mình trong làn gió đổi mới
Trong suốt nhiệm kỳ hoạt động (1985-1989), HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã phát huy vai trò, chức năng là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Đặc biệt, kể từ khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986), theo tinh thần đổi mới và trước yêu cầu thực tế, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã có sự chuyển biến trong hoạt động theo hướng mở rộng dân chủ, chất lượng, hiệu quả, xây dựng các nghị quyết sát với tình hình thực tế phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Bài phát biểu của đồng chí Trần Ngọc Khanh, Chủ tịch UBND tỉnh tại phiên bế mạc kỳ họp lần thứ 18, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III Ảnh: C.SƠN
Đổi mới trong hoạt động
Kể từ khi có Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng, cùng với nhân dân cả nước, nhân dân Sông Bé bắt đầu sự nghiệp đổi mới. Đặc biệt, từ cuối năm 1987, Nhà nước ban hành quy chế chính thức về tổ chức và hoạt động của HĐND, các kỳ họp của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã có chuyển biến theo hướng đổi mới, phát huy dân chủ, coi trọng chất lượng. Để đáp ứng được yêu cầu trên, các cuộc họp đã được chuẩn bị chu đáo hơn. Các ban của HĐND theo chức năng của mình đi kiểm tra, khảo sát thực tế, nắm vững thực chất tình hình để việc thuyết trình, phát biểu tại các kỳ họp sát với thực tế hơn. Từ đây, với tinh thần đổi mới, dân chủ được phát huy, tinh thần thảo luận đã cởi mở hơn, thẳng thắn, tôn trọng sự thật. Những ý kiến phát biểu trong phần thảo luận đã thiết thực, cụ thể, phản ánh được thực chất tình hình mọi mặt của đời sống xã hội, phản ánh được tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Việc xuất hiện đại biểu đến từ các sở, ban, ngành là khách mời của kỳ họp và khi thảo luận đã thành lập tổ đã làm cho HĐND có tiếng nói chung, đầy đủ hơn.
Từ những đổi mới trên, việc xây dựng những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã khắc phục được tình trạng chung chung, hình thức. Nội dung của các nghị quyết không chỉ là những chủ trương và hướng phát triển cho kế hoạch cả năm mà còn là những vấn đề bức xúc trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, từ đó nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sự phát triển chung của tỉnh trên mọi lĩnh vực. Chính vì vậy, những nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III được các cấp, các ngành quan tâm hơn vì tính thiết thực, giải quyết được những vấn đề trong thực tế cuộc sống. Riêng các đại biểu HĐND, cũng trên tinh thần đổi mới và phát huy dân chủ, đã nâng cao trách nhiệm trước nhân dân, tích cực tham gia hoạt động của HĐND, quan tâm đến việc tiếp dân, tiếp xúc cử tri, hiểu biết sâu hơn tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tham gia đầy đủ các kỳ họp, đóng góp nhiều ý kiến xây dựng nghị quyết của HĐND thiết thực, cụ thể hơn. Từ đó, các đại biểu HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã nhận được sự tín nhiệm cao của cử tri, nhân dân.
Kinh nghiệm đúc kết từ hoạt động của HĐND tỉnh khóa III cho thấy, để hoạt động của HĐND đạt kết quả cao, trước hết cần phải có chủ trương, chính sách đúng đắn hợp lòng dân; có đội ngũ cán bộ có phẩm chất, năng lực, biết lấy dân làm gốc, phải dân chủ và sâu sát; giải quyết tốt mối quan hệ giữa sự lãnh đạo của Đảng với sự chỉ đạo điều hành của bộ máy chính quyền và chức năng giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương; thực hiện nghiêm túc và ngày càng tốt hơn về quy chế hoạt động gắn với đề cao vai trò trách nhiệm cá nhân trong phạm vi quyền hạn được phân công; lắng nghe ý kiến nhân dân, cải tiến phong cách và lề lối làm việc, phát huy tinh thần dân chủ… |
Thúc đẩy sự phát triển
Từ những đổi mới trong phương thức hoạt động, điều hành, các nghị quyết của HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã đáp ứng được yêu cầu đổi mới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng. Từ đây, các Nghị quyết của HĐND được UBND thể chế hóa nhanh chóng, nhất là những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách mới nhằm từng bước xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp, chuyển sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; từng bước giúp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm sản xuất, ổn định đời sống. Đến cuối nhiệm kỳ HĐND khóa III, tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh Sông Bé đã có chuyển biến tích cực. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, tăng cả về diện tích và năng suất. Diện tích cây công nghiệp dài ngày phát triển nhanh do tỉnh đã kịp thời ban hành một số chính sách phù hợp, từ đó khuyến khích được các thành phần kinh tế cùng tự bỏ vốn để đầu tư. Tỉnh cũng chăm lo chỉ đạo quản lý bảo vệ khai thác rừng và xây dựng vốn rừng. Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư, tạo ra nhiều sản phẩm mới cho tiêu dùng và xuất khẩu, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Song song đó, tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng như điện, nước, đường giao thông phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống nhân dân. Tỉnh đã từng bước sắp xếp lại tổ chức, đổi mới cơ chế quản lý, ban hành quy định rõ về chức năng quản lý nhà nước về kinh tế; sắp xếp lại các đơn vị kinh tế, xóa dần khâu trung gian; dùng chính sách và đòn bẩy kinh tế để quản lý kinh tế và tôn trọng quy luật khách quan, không áp đặt. Quan hệ kinh tế đối ngoại của tỉnh cũng đã được mở rộng nhằm khai thác tiềm năng địa phương. Cùng với những yếu tố trên, lĩnh vực văn hóa, xã hội đã có bước phát triển mới với nhiều chính sách được ban hành trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, thương binh xã hội.
Qua 5 năm hoạt động, từ việc đánh giá đúng đắn thành tựu, nhận rõ những thiếu sót tồn tại, HĐND tỉnh Sông Bé khóa III đã tiếp tục phát huy đầy đủ vai trò của cơ quan quyền lực Nhà nước cấp tỉnh, đổi mới hoạt động, ban hành được những nghị quyết thiết thực, cụ thể, đáp ứng được yêu cầu thực tế cuộc sống để từ đó góp phần tạo thế và lực để Sông Bé - Bình Dương đẩy mạnh công cuộc đổi mới trong thời gian sau. (Còn tiếp)
CAO SƠN (tổng hợp)