HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ - Bài 15
(BDO) Bài 15: Đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân
Trong nhiệm kỳ hoạt động, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016 đã làm tốt nhiệm vụ đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND tỉnh quyết định được nhiều vấn đề quan trọng phù hợp, góp phần đưa tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển, trở thành một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về tăng trưởng và phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu (ĐB) HĐND năm 2003, HĐND tỉnh Bình Dương khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 được thành lập từ kết quả bầu cử của cử tri trong tỉnh ngày 22-5-2011. HĐND tỉnh gồm 63 ĐB, trong đó có 17 ĐB nữ; 16 ĐB tái cử. Qua mỗi khóa, chất lượng ĐB không ngừng được nâng lên cả về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và trình độ lý luận chính trị. Các ĐB đều tốt nghiệp THPT, trong đó có 62 ĐB có trình độ đại học và trên đại học. Đồng thời, HĐND tỉnh quan tâm đến công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho ĐB. Cụ thể, Thường trực HĐND tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng dân cử - Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước khu vực IV tổ chức 5 đợt bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoạt động cho ĐB, đặc biệt là kỹ năng tiếp xúc cử tri, kỹ năng giám sát, kỹ năng tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của địa phương. Qua các lớp bồi dưỡng, trình độ các ĐB ngày càng được nâng lên; các ĐB ngày càng tự tin hơn trong phát biểu ý kiến, trong chất vấn, trong quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, thể hiện được trách nhiệm đối với cử tri, nhân dân của địa phương. Về cơ cấu, có 5 ĐB trong cơ quan Đảng, 20 ĐB thuộc cơ quan Nhà nước, đoàn thể có 16 ĐB, lực lượng vũ trang có 2 ĐB, cấp huyện có 7 ĐB, doanh nghiệp 11 ĐB và tôn giáo 2 ĐB.
Đoàn đại biểu HĐND tỉnh khóa VIII tiếp xúc cử tri sau kỳ họp cuối năm 2015.
Ảnh: TƯ LIỆU
Đến khóa VIII, HĐND tỉnh vẫn có 3 ban, gồm Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Pháp chế. Tại kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã thống nhất danh sách các Tổ ĐB theo từng đơn vị bầu cử và quyết định Tổ trưởng Tổ ĐB là Bí thư, Phó Bí thư hoặc Chủ tịch UBND cấp huyện. HĐND tỉnh có 9 tổ ĐB theo địa giới hành chính của 9 huyện, thị, thành phố. Ông Huỳnh Thành Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh khóa VIII cho biết, nhiệm kỳ qua, các Tổ trưởng của từng tổ ĐB đã quản lý, điều hành công việc của Tổ ĐB HĐND thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Cụ thể, phối hợp với Thường trực HĐND, UBMTTQVN cấp huyện bố trí địa điểm, phân công ĐB tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri theo luật định và tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; tổ chức họp Tổ ĐB trước mỗi kỳ họp để đóng góp ý kiến các nội dung trình kỳ họp; phân công ĐB báo cáo kết quả kỳ họp, giải trình kiến nghị của cử tri trong đợt tiếp xúc sau kỳ họp.
Phát biểu khai mạc tại hội nghị tổng kết hoạt động HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011- 2016, ông Phạm Văn Cành, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cho biết, nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã có sự đóng góp quan trọng trong việc xác định các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và biển Đông có những diễn biến phức tạp, tạo ra nhiều thời cơ và thách thức mới; song nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì sự phát triển ổn định và vững chắc. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt mức đề ra. An sinh xã hội ngày càng thực hiện tốt hơn, đời sống nhân dân được cải thiện vững chắc; quốc phòng an ninh, trật tự xã hội tiếp tục ổn định và giữ vững; sự đồng thuận của khối đại đoàn kết ngày càng được nâng cao. Tỉnh Bình Dương không ngừng nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội, ngày càng thể hiện diện mạo một đô thị năng động, phát triển công nghiệp - dịch vụ - đô thị; cùng với đó, nhiều công trình trọng điểm được đầu tư, khánh thành và đi vào hoạt động. Trung tâm Hành chính tập trung của tỉnh được vận hành và hoạt động theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, đáp ứng nhu cầu giao dịch hành chính của nhân dân và doanh nghiệp, vì mục tiêu phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa tỉnh nhà.
Với 19 kỳ họp, 184 nghị quyết được thông qua và gần 100 đợt giám sát, HĐND tỉnh đã khẳng định vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. Các nghị quyết của HĐND tỉnh đã cụ thể hóa được chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hoạt động giám sát trước, trong và sau kỳ họp ngày càng được tăng cường với hiệu lực, hiệu quả giám sát ngày càng cao. Công tác tiếp dân, các ý kiến, kiến nghị của cử tri được coi trọng và quan tâm giải quyết.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn chia sẻ: Các ĐB đã làm hết khả năng để tròn trách nhiệm của mình. Các ĐB luôn gần dân, sát dân, thường xuyên sâu sát cơ sở để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng nhân dân và giải quyết kịp thời, có hiệu quả những nỗi trăn trở, những vấn đề bức xúc của nhân dân. Đặc biệt, đại biểu HĐND tỉnh đã tham gia giải quyết, biểu quyết những mục tiêu - nhiệm vụ của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần đưa tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển.
Một nhiệm kỳ với thành công ngoài mong đợi, HĐND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 đã làm tròn vai trò, chức năng của một cơ quan quyền lực của nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân.
THU THẢO