HĐND tỉnh: Những mốc son qua các thời kỳ - Bài 11

Thứ bảy, ngày 09/04/2016

Bài 11: Đổi mới mạnh mẽ trong chất vấn và trả lời chất vấn

(BDO)

 Được thành lập trong bối cảnh đan xen giữa những thuận lợi và khó khăn của tình hình kinh tế - xã hội, kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của các khóa trước, cùng với cả hệ thống chính trị, HĐND tỉnh khóa VII (2004-2011) đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Sự thành công trong suốt nhiệm kỳ của HĐND tỉnh khóa VII có được từ sự đổi mới mạnh mẽ trong phương thức hoạt động, nổi bật nhất là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

 Từ Nghị quyết quy hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương của HĐND tỉnh khóa VII, đến nay Bình Dương đã có một Trung tâm Hành chính tập trung hiện đại, thân thiện và văn minh

 Góp phần tích cực xây dựng các nghị quyết

HĐND tỉnh khóa VII ra đời từ kết quả bầu cử của cử tri trong tỉnh ngày 25-4-2004 và nhiệm kỳ được kéo dài đến năm 2011 theo Nghị quyết số 25/2008/QH12 ngày 14-11- 2008 của Quốc hội khóa XII. HĐND tỉnh khóa VII gồm 50 đại biểu. Trải qua một nhiệm kỳ dài 7 năm hoạt động với 19 kỳ họp, HĐND tỉnh khóa VII đã thông qua 260 nghị quyết. Để xây dựng được các nghị quyết đáp ứng yêu cầu cuộc sống, mang tính thiết thực cao là sự nỗ lực lớn của HĐND tỉnh khóa VII trong việc cải tiến, đổi mới hoạt động của các kỳ họp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quyết định của HĐND, trong đó hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn có sự đóng góp hiệu quả, thiết thực vào việc xây dựng các nghị quyết của cả nhiệm kỳ.

Thông qua các nghị quyết này, HĐND tỉnh khóa VII đã cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, nghị quyết của Đảng bộ tỉnh thành những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và quyết định những vấn đề quan trọng ở địa phương; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và giai đoạn 5 năm 2006-2010. Với vai trò là cơ quan đại diện cho nhân dân trong thực hiện quyền lực Nhà nước, HĐND tỉnh khóa VII đã lựa chọn và quyết định nhiều vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, phản ánh được nhu cầu thực tế ở địa phương như: Tổ chức bộ máy, giải pháp phát huy, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội; xây dựng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch khu công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai; phát triển đô thị, giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, nông nghiệp, nông thôn, kế hoạch bảo vệ môi trường…

Qua thực tế cho thấy, hầu hết các nghị quyết của HĐND tỉnh khóa VII đều sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực như: Nghị quyết về quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006-2020; quy hoạch xây dựng Trung tâm Hành chính tập trung tỉnh Bình Dương; quy hoạch chung xây dựng đô thị Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết về kế hoạch bảo vệ môi trường tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007-2010; Nghị quyết về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động HĐND; Nghị quyết về việc thực hiện chế độ trợ cấp khó khăn đối với cán bộ, công chức, viên chức, những người hoạt động không chuyên trách đang công tác tại các xã còn nhiều khó khăn trên địa bàn tỉnh Bình Dương…

Bản lĩnh và tâm huyết của đại biểu

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của HĐND tỉnh khóa VII ngày càng chất lượng hơn và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của các kỳ họp, được cử tri trong tỉnh quan tâm theo dõi. Qua 19 kỳ họp, số lượng và chất lượng các câu hỏi chất vấn đã tăng lên, đề cập đến nhiều vấn đề bức xúc, có tính thời sự, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri. Các câu hỏi tìm hiểu thông tin dần được hạn chế. Các nội dung chất vấn tập trung hơn, được cải tiến từ việc chất vấn từng vấn đề đến chất vấn theo nhóm vấn đề. Thời gian chất vấn cũng được điều hành, bố trí phù hợp để đi sâu vào những vấn đề cử tri quan tâm, làm sáng tỏ vấn đề ở nhiều góc độ. Về phía thủ trưởng các sở, ngành trả lời chất vấn với tinh thần nghiêm túc, cầu thị trong các nội dung trả lời của mình, qua đó nhìn nhận trách nhiệm và các nhiệm vụ phải làm để giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân. Cũng thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, cả người chất vấn lẫn người trả lời chất vấn đều trưởng thành, bản lĩnh hơn, tinh thần trách nhiệm được nâng cao và gần dân hơn để có thể nâng cao trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm giải quyết những nhu cầu, nguyện vọng chính đáng, những vấn đề bức xúc của nhân dân, tạo ra những chuyển biến thực sự trên thực tế trong giải quyết các vấn đề được đặt ra.

Để hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đạt kết quả cao, việc ứng dụng công nghệ thông tin được HĐND tỉnh khóa VII chú trọng. Nội dung ứng dụng công nghệ thông tin được tập trung vào việc cung cấp thông tin, tài liệu dưới dạng văn bản số phục vụ hoạt động của đại biểu HĐND một cách đầy đủ, kịp thời bằng phần mềm tra cứu văn bản được cập nhật thông qua hệ thống internet; tạo lập hệ thống thông tin phục vụ kỳ họp HĐND tỉnh dưới hình thức website nhằm cung cấp tài liệu, định hướng thông tin phục vụ thảo luận, quyết định của đại biểu và hỗ trợ chủ tọa điều hành các phiên họp.

Thông qua hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn, nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa VII đã ghi được dấu ấn trong lòng cử tri cả tỉnh, chất lượng của các kỳ họp cũng được nâng lên. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cũng đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm của các đại biểu qua việc những quyết sách quan trọng được thông qua các kỳ họp; là tâm huyết của HĐND tỉnh trong suốt nhiệm kỳ, là trách nhiệm của bộ máy chính quyền tỉnh đối với tâm tư, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn trong suốt nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa VII mang tính đổi mới cao, tạo đà để hoạt động này trong các khóa HĐND tiếp theo tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả cao hơn. Qua đó để HĐND tỉnh tiếp tục phát huy vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, mang lại niềm tin ngày càng mạnh mẽ của cử tri đối với chính quyền các cấp và cơ quan dân cử. (còn tiếp).

 CAO SƠN

Từ khóa: